Ông Orban, người đang phải đối mặt với một cuộc đua tái tranh cử đầy khó khăn, đã nói trong nhiều tháng rằng ông muốn thấy sân bay thuộc sở hữu nhà nước.
Kể từ khi Thủ tướng Orban lên nắm quyền vào năm 2010, Chính phủ của ông đã tăng cường quyền sở hữu của người Hungary trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, ngân hàng và truyền thông. Một tập đoàn do Chính phủ của ông đứng đầu đã đệ trình một đề nghị mua lại sân bay quốc tế Budapest vào tháng trước.
Vào giữa tháng 11, chủ sở hữu của Sân bay Budapest đã tham gia vào một quá trình thẩm định với chính phủ. Truyền thông địa phương đưa tin Chính phủ Hungary đã đề nghị 4,44 tỷ euro (5 tỷ USD) để mua sân bay, tương đương phần của cổ đông lớn nhất của sân bay, AviAlliance GmbH (trước đây là Hochtief AirPort GmbH). Tuy nhiên, Chính phủ chưa xác nhận thông tin này.
AviAlliance, công ty nắm giữ 55,44% cổ phần trong sân bay, thuộc sở hữu của Ban Đầu tư Hưu trí Khu vực Công của Canada (PSP Investments).
Ông Orban đã thúc đẩy chi tiêu của chính phủ mạnh mẽ trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, thu hút các cử tri bằng việc cắt giảm thuế, tăng lương hưu và tăng 20% lương tối thiểu. Chính phủ đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách là 7,5% GDP trong năm nay.
Thống đốc Ngân hàng trung ương, Gyorgy Matolcsy (là đồng minh của Thủ tướng Orban), người đang chống chọi với mức lạm phát tăng vọt lên 7,4% vào tháng 11 với một loạt các đợt tăng lãi suất, đã kêu gọi giảm chi tiêu và phản đối kế hoạch mua lại sân bay quốc tế của Budapest vì "gây ra rủi ro tài chính nghiêm trọng".
"Chúng ta cần chú ý đến thâm hụt ngân sách", ông Orban phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức cùng chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo các nước Trung Âu khác. Nhưng "vào lúc này, tôi tin rằng việc niêm phong thương vụ (sân bay) trước cuộc bầu cử là không hợp lý", Thủ tướng nói.