Sẽ đem lại lợi nhuận vài chục tỷ USD
Theo báo cáo tại Hội nghị, cơ khí Việt Nam hiện có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Cùng với đó chúng ta có khoảng 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm.
Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt khoảng 85-95%. Đặc biệt, ngành cơ khí dầu khí đã chế tạo thành công và bàn giao đi vào hoạt động giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90 m nước, thay thế cho việc nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 35%.
Ngày 13/9 vừa qua, Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh đã tổ chức lễ xuất xưởng máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA đầu tiên tại Việt Nam. Dòng máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo, do đó, đây có thể coi là một thành tựu lớn đối với ngành chế tạo thiết bị điện của Việt Nam.
Các ý kiến tại hội nghị khẳng định, phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỷ USD trong một, hai chục năm tới, đặc biệt khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước. Tuy nhiên, hiện Việt Nam hiện chỉ có khoảng 21.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa (không tính DN FDI) đang sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển.
Những doanh nghiệp cơ khí có số lượng lao động từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 doanh nghiệp), còn lại đa phần có quy mô nhỏ. Nếu không có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước, định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm.
Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” thúc đẩy phát triển
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ nỗ lực để tháng 11 tới sẽ có một Nghị quyết với những giải pháp, chính sách tốt hơn cho ngành cơ khí với tầm nhìn đến năm 2035. Đã có một thời, ngành cơ khí của nước ta có tầm cỡ, đã từng xuất khẩu máy móc, công cụ ra nước ngoài.
Điều đó cho thấy năng lực của người Việt Nam hoàn toàn phát triển được ngành cơ khí. Song do chúng ta chưa thực sự coi trọng khiến ngành không phát triển được. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải có chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phát triển.
Đối với 21.000 DN ngành cơ khí hiện nay, Thủ tướng đánh giá, hầu hết các DN đã vượt qua khủng hoảng và phát triển tốt, đã chế tạo được các sản phẩm phức tạp như giàn khoan, phụ tùng lắp ráp ô tô, thiết bị điện, y tế, thiết bị nông nghiệp... Đây là “đà” quan trọng để phát triển ngành cơ khí thời gian tới.
Ghi nhận các ý kiến nêu về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa. Bên cạnh đó cần tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí.
Đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước; Nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước; Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm…
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị…; Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước…