Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân-Trợ lý Tổng Bí thư.
Theo chương trình, phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình tháng 2 có gì mới, khác so với tháng 1 cũng như so với tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, đặc biệt tác động của các cuộc xung đột trên thế giới tới hoạt động logistics trên toàn cầu; những điểm nhấn, điểm nổi bật trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm; việc tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, bảo đảm an sinh xã hội; việc thực hiện mục tiêu cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong hệ thống chính quyền; các bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, như việc phân công các thành viên Chính phủ về làm việc trực tiếp với địa phương để tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình tháng 2 có gì mới, khác so với tháng 1 cũng như so với tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới, những khó khăn, thuận lợi; những công việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ cần triển khai để năm 2024 tăng tốc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ, trong đó có những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính), việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phiên họp và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho những công việc có tính lan tỏa cao, tạo động lực, phản ánh chính sách kịp thời hơn… để hoàn thành mục tiêu năm 2024, góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Thủ tướng lưu ý việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; làm mới những động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Thủ tướng cũng cho biết, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 dự kiến sẽ được phân bổ cho 3 nhóm nhiệm vụ (bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư phát triển; an sinh xã hội).
Các đại biểu tham dự Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo các báo cáo tại phiên họp, chúng ta đã đi qua 2 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro. Trên thế giới, xung đột ở Biển Đỏ diễn biến phức tạp; xung đột ở Ukraine, Dải Gaza kéo dài, nghiêm trọng; ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đe doạ an ninh lương thực, năng lượng; trong khi giá dầu thô, lương thực tăng, tác động đến lạm phát toàn cầu…
Trong nước, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (kéo dài 1 tuần từ ngày 8-14/2/2024) đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực; trong khi thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường; rét đậm, rét hại kéo dài…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung chỉ đạo chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết theo Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cả nước đón Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng nhìn chung tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng được thúc đẩy; các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có tín hiệu tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm trước. Đầu tư công, đầu tư xã hội tiếp tục đạt kết quả tốt.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch, chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; đối ngoại được đẩy mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, như sức ép điều hành vĩ mô còn cao, nhất là trong khi giá dầu thô, lương thực thế giới biến động mạnh. Sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực chưa phục hồi rõ nét. Thủ tục hành chính có nơi, có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương tại một số nơi chưa nghiêm; tinh thần, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa đáp ứng yêu cầu…