Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Sáng 11/01, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong những kết quả, thành tựu chung của đất nước năm 2023, không thể không nói đến đóng góp của ngành KH&ĐT. “Bộ KH&ĐT - cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng; trong đó có cả những đóng góp thầm lặng nhưng tác động lớn, lan tỏa cao, hiệu quả lâu dài…” - Thủ tướng ghi nhận và biểu dương.
Thủ tướng đánh giá năm 2023, Bộ, ngành KH&ĐT đã hoàn thành xuất sắc một khối lượng lớn công việc khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các đối tác quốc tế có liên liên quan.
Trong 9 điểm sáng nổi bật ngành KH&ĐT đã đạt được trong năm 2023, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng đánh giá, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động, đáp ứng tiến độ, chất lượng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, mang lại giá trị mới. “Quy hoạch là việc khó, phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước và các địa phương. Năm 2023 có thể coi là năm quy hoạch…” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, Bộ KH&ĐT đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch thực hiện. Có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; tích cực triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội; đã thành lập và phát huy vai trò của các hội đồng điều phối vùng.
Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc. (Ảnh: VGP) |
Một điểm sách được người đứng đầu Chính phủ biểu dương, đó là giải ngân vốn đầu tư công. Với việc triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ được thành lập để kiểm tra, làm việc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, từng quý; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 (91,42%)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra công tác của ngành KH&ĐT còn một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng lưu ý việc phản ứng chính sách cần kịp thời, hiệu quả hơn nữa; Công tác tham mưu chiến lược trên cơ sở dữ liệu và bám sát tình hình; Nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về tổng cầu, tổng cung trên thế giới…
Năm 2024: Năm quyết tâm
Nhận định năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu, phát huy kết quả đạt được, không say sưa, thỏa mãn, chủ quan, lơ là…
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023; Làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024…
Nhấn mạnh một số kỳ vọng và mong muốn với Bộ, ngành KH&ĐT, Thủ tướng nêu rõ, Bộ KH&ĐT phải luôn có tư duy sắc bén, đổi mới, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nổi lên của thế giới, đất nước và có tầm nhìn xa, tham mưu các quyết sách lớn về kinh tế-xã hội cho Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; Luôn coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và tổ chức thực hiện. “Đây vừa là đòi hỏi cấp bách, khâu đột phá quan trọng, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài tạo động lực phát triển nhanh và bền vững…" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP) |
Thủ tướng mong muốn, Bộ KH&ĐT cần luôn xung kích, tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các mô hình kinh tế mới, ngành nghề mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; Luôn đi đầu trong chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; trở thành công cụ quan trọng trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng…
Đặc biệt Thủ tướng lưu ý, Bộ KH&ĐT đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, tham mưu chiến lược để làm tốt hơn nữa việc kiến tạo phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nắm chắc thực tiễn, bám sát tình hình trong và ngoài nước để chủ động, tích cực đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và vượt qua thách thức, huy động mọi nguồn lực, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau….
Nhấn mạnh chủ đề năm nay là: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", Thủ tướng yêu cầu ngành KH&ĐT phải bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với tinh thần năm 2024 là "Năm quyết tâm"…
Năm 2023: Đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải
Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những kết quả nổi bật trong năm 2023 và những năm gần đây của ngành KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Dẫn chứng trong lĩnh vực đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… cho đột phá hạ tầng của đất nước.
Cụ thể: Đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km…