Nhiều địa phương “lo lắng” hạ tầng giao thông
Tại buổi làm việc, có các lãnh đạo 19 tỉnh, thành phía Nam cùng tham dự. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong thời quan qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách phát huy lợi thế, tạo động lực phát triển ĐBSCL và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, hiện khu vực này vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn như: Biến đổi khí hậu, sạt lở, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu liên kết... Từ đó, cần có tầm nhìn mới định hướng chiến lược, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển vùng.
Một trong vấn đề “nan giải” của ĐBSCL hiện nay là giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông của ĐBSCL vẫn là một trong những điểm yếu so với các vùng khác, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của khu vực.
“Vùng ĐBSCL đặc thù đất yếu, đầu tư kinh phí rất lớn nhưng kết quả thực hiện không cao do phải đầu tư nhiều cầu, đường đắp cao. Có thể nói GTVT là “điểm nghẽn” của ĐBCSL”, ông Thể nhấn mạnh.
Bàn về tuyến cao tốc phía Đông từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Cà Mau, ông Thể cho biết chỉ mới hoàn thành đoạn từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Đoạn từ Trung Lương – Mỹ Thuận đang thi công, Mỹ Thuận – Cần Thơ đang mở thầu, còn từ Cần Thơ – Cà Mau đang nghiên cứu. Theo ông Thể, việc thực hiện cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư tập trung thực hiện theo chỉ đạo và kết luận của Thủ tướng. Các vướng mắc của Bộ ngành, nhà đầu tư và địa phương đều được giải quyết.
“Cuối năm 2020 sẽ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận”, ông Thể khẳng định. Ngoài ra, dự án Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến khởi công vào tháng 12/2019 và hoàn thành vào năm 2023. Dự án Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã bố trí 932 tỷ để Bộ GTVT mở thầu. “Tuyến Cần Thơ - Cà Mau đang nghiên cứu lập dự án cao tốc, tuy nhiên quyết định đầu tư sẽ chậm vì đang tập trung nguồn lực thông xe về tới Cần Thơ”, ông Thể nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông. Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang kiến nghị, Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ phát triển hạ tầng An Giang vì hiện nay đã quá tải so với yêu cầu phát triển của tỉnh.
“Tập trung đầu tư các công trình có ý nghĩa đối với ĐBSCL và An Giang. Đẩy nhanh thực hiện cao tốc Châu Đốc – Sóc Trăng , trong đó có Long Xuyên - Châu Đốc vì nếu để sau năm 2030 sẽ không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển”, bà Xuân nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang kiến nghị nghiên cứu bố trí đầu tư giao thông tuyến QL 61 đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất vì thực tế hiện nay đoạn này rất hẹp, “chỉ có 1 làn đi, 1 làn về” nên chưa đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển vùng trên mọi phương diện. Trong đó, vấn đề hàng đầu là phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống người dân có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, các địa phương phải có ý chí mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược để phát triển bền vững trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
“Làm sao cải thiện được đời sống của 20 triệu dân trong khu vực có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, đây là trách nhiệm không chỉ của Trung ương mà còn là trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương đóng vai trò nòng cốt”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Thủ tướng, để làm được điều này cần có sự chung tay bức phá trong tất cả các lĩnh vực, trong đó hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Thủ tướng nhấn mạnh: “Cán bộ là khâu quyết định, phải thật sự có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp đi đôi với hành động cụ thể, táo bạo trong quyết đoán, có như vậy mới thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc liên kết giữa ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh. “Kết nối trên tinh thần ĐBCSL phát triển, TP Hồ Chí Minh phát triển. TP Hồ Chí Minh phát triển có sự đóng góp của ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ”. Theo đó, sắp tới sẽ có hội nghị kết nối các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh.
Kết thúc phiên làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là người dân cho nên vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa, cải lương, đờn ca tài tử, văn hóa sông nước… phải giữ gìn, phát huy để đời sống vật chất và tinh thần người dân tốt hơn”. Đồng thời phải tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo.