Ngày 23/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM để góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kỳ vọng của cả nước đối với sự phát triển của TP HCM là rất lớn. Thủ tướng đề nghị thành phố rà soát kỹ, bổ sung một nội dung về chủ đề Đại hội.
Nhất trí với đánh giá tình hình như trong dự thảo báo cáo của TP HCM, Thủ tướng cho rằng thành phố đạt được những thành quả lớn lao nhưng cũng có những điểm nghẽn. Nếu thành phố không đổi mới cách làm, không có sự tăng năng suất lao động cần thiết thì GRDP của các địa phương khác có thể bắt kịp và vượt TP HCM.
Dẫn ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo Chính trị mới tập trung tâm thế vào quốc nội, tính quốc tế còn hạn chế, Thủ tướng cho rằng trong xu thế vươn lên cạnh tranh toàn cầu, TP HCM cần mạnh dạn mở rộng tiếp cận quốc tế nhiều hơn nữa trong hoạch định chiến lược phát triển. Đồng thời, thành phố cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng đề nghị thành phố phân tích, đánh giá rõ hơn yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố để có giải pháp, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng, thách thức về biến đổi khí hậu…
“Trong đó, tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành thành phố công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong dự thảo Báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng. Đầu tiên là cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. TP HCM cũng như Hà Nội không thiếu nguồn lực mà thiếu cơ chế chính sách để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nếu làm tốt thì nguồn lực rất lớn, đặc biệt là quản lý đất đai, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất hiệu quả thì hoàn toàn đủ nguồn lực cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu của thành phố và liên vùng.
Báo cáo cũng cần nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố gắn với vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập trong quy hoạch hiện nay. Với vai trò trung tâm, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM phải đi đầu, tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế và thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ 4 đề án đột phá của Thành phố, gồm: Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách Nhà nước cho TP HCM để thành phố có “chiếc bánh ngân sách” lớn hơn; Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM;
Đề án thành lập thành phố Thủ Đức (Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TP HCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định); Đề án phát triển trung tâm tài chính TP HCM (Thủ tướng đề nghị TP HCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lý, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính TP HCM).
Theo Thủ tướng, với một thành phố lớn, không chỉ vấn đề phát triển kinh tế mà phải chú trọng giải quyết vấn đề xã hội như an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… Bên cạnh lo lâu dài thì cũng phải quan tâm vấn đề trước mắt. Riêng năm nay, việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đối với TPHCM là rất khó khăn, nhất là tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước. nên thành phố cố gắng nhiều hơn nữa, với những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.