Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Tư pháp, đại diện các sở, ban, ngành và các cán bộ công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở yêu cầu thực tế, nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại địa phương. Đặc biệt, tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế tham gia tích cực đầy đủ các đợt tập huấn về chuyên môn do Bộ Tư pháp tổ chức tại Khánh Hòa… Nhờ đó, chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế đã từng bước cải thiện, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được giao.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa còn chú trọng và thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật ngay từ khi phát sinh, không để vụ việc tồn đọng, quá hạn.
Với những kết quả trong công tác tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Danh hiệu Cờ thi đua ngành Tư pháp năm 2021; Bộ trưởng tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 36 cá nhân và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 10 cá nhân.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, cho biết: “Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đặt ra nhiều định hướng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cùng với bối cảnh đất nước ta đang ngày càng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện nên nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới là rất nặng nề. Trong bối cảnh đó, Khánh Hòa là tỉnh đang có sự phát triển rất mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là tỉnh quan tâm, chú trọng đến các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư thì nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp Khánh Hòa là vô cùng quan trọng”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, một là, nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh tại địa phương do UBND tỉnh giao. Trong đó, chú trọng tư vấn pháp lý giải quyết các vướng mắc về nhà đất, thực hiện các dự án đầu tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính; chùm hơn 30 Nghị định sửa đổi, bổ sung gần 80 Nghị định quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; cần quan tâm, chú trọng chính sách phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý và xứng với vị thế, tiềm năng của địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên.
Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp. Chủ động hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình đăng ký hộ tịch. Thực hiện tốt đề án Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính. Chú trọng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động với các cơ quan tố tụng tại địa phương, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và nhân lực tham gia phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Bốn là, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm là, Sở Tư pháp cần tích cực tham mưu cho tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế; tăng cường biên chế cho Sở, Phòng Tư pháp và Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đáp ứng được yêu cầu công việc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (tham mưu UBND chỉ đạo các cấp chính quyền chỉ bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công tác tư pháp, hộ tịch).
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá cao công tác tham mưu của Sở Tư pháp cho UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hỗ trợ UBND tỉnh kịp thời đưa ra các đề xuất, biện pháp trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
“Cần chú trọng công tác kiểm tra rà soát, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế nâng cao trình chuyên môn. Về vấn đề cơ sở vật chất và các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác pháp chế, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Tư pháp có đề xuất cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại hạn chế, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tư pháp trong thời gian tới. Ngành Tư pháp vững mạnh là động lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.