Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, TNXH đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các DN Việt Nam, nếu DN nào đó không tuân thủ trách nhiệm sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc DN thực hiện TNXH sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho chính DN, mà còn cho cả quốc gia.
Ở cấp độ DN, khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về thực hiện TNXH thì DN sẽ đạt những lợi ích như sau:
Trước hết, nâng cao hình ảnh và thương hiệu của DN: Cùng với sự nâng cao nhận thức của xã hội, người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của TNXH của DN thì việc DN thực hiện tốt TNXH, thực hiện ASXH sẽ góp phần tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính DN và những sản phẩm của DN làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của DN sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững.
Thứ hai, tạo cơ hội cho DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Trong những năm qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi DN tham gia thực hiện TNXH sẽ góp phần tạo cơ hội cho các sản phẩm của DN đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của DN: Các DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến chính sách xã hội, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Mặt khác, giúp DN cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.
Ở cấp độ quốc gia, lợi ích lớn nhất mà quốc gia nhận được thông qua việc huy động các DN tăng cường thực hiện trách nhiệm ASXH và tăng trưởng xanh của DN cho phát triển bền vững chính là góp phần nâng cao được lợi thế quốc gia, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Việc DN tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ ASXH và tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”; “tái cấu trúc nền kinh tế”; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đồng thời, làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì việc tham gia tích cực của các DN trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.