Gây án tàn độc
Sáng 13/7, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa hai bị cáo Nông Văn Thực (SN 1995, ngụ huyện Ea Kar) và Nông Văn Phóng (SN 1998, ngụ thị xã Buôn Hồ) ra xét xử về tội danh “Giết người”.
Nạn nhân trong vụ án là một bé gái chưa đầy 13 tuổi, bị sát hại trên đường đi học về. Với mong mỏi HĐXX làm việc công minh, đưa ra mức án nặng nhất đối với hung thủ, cha mẹ nạn nhân đã mang theo di ảnh con gái đến tham dự phiên toà.
Theo cáo trạng, Thực và Phóng là anh em con chú con bác. Vào ngày 4/4/2016, Thực chở theo vợ đến nhà Phóng để chơi. Sau đó, cả hai cùng nhau uống rượu, không đoái hoài gì đến vợ con. Khi đã ngà ngà hơi men, Phóng và Thực tiếp tục ra quán tạp hoá uống bia. Chập tối cùng ngày, Thực điều khiển xe honda chở Phóng về nhà mình ở huyện Ea Kar.
Khi đi đến địa phận xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), do trời tối và đã say nên xe của Thực quẹt nhẹ vào xe của cháu Nguyễn Thị Trang (SN 2003, ngụ xã Ea Siên) đang trên đường đi học về. Lúc đó, xe bị chao đảo nên cháu gái bực tức chửi theo: “Mày mù à”. Nghe vậy, Thực nói với Phóng rằng: “Con bé này xinh, tao với mày quay lại ghẹo”.
Ngay lập tức, Thực quay xe lại, nhặt một khúc gỗ bên đường rồi ép xe cháu Trang vào lề. Trong lúc cháu bé đang hoảng loạn, Thực đã dùng khúc gỗ đánh mạnh vào đầu khiến nạn nhân ngất xỉu rồi bế xốc vào rẫy cà phê gần đó.
Khi Thực đặt cháu Trang nằm xuống cũng là lúc nạn nhân tỉnh dậy kêu cứu. Thấy vậy, Thực dùng khúc gỗ đánh vào đầu khiến nạn nhân ngất tiếp. Tại rẫy cà phê, Thực nảy sinh ý định hiếp dâm. Thế nhưng, khi hung thủ kéo quần nạn nhân xuống (khoảng 15cm) thì nạn nhân tỉnh lại và mở mắt nhìn. Sợ bị lộ, Thực quyết định đánh chết cháu Trang để bịt đầu mối.
Trong lúc Thực thực hiện hành vi phạm tội, Phóng đang đứng bên ngoài đường. Chỉ khi nghe tiếng cháu Trang hét thất thanh, Phóng mới quay vào và được Thực cho biết nạn nhân đã chết. Sau đó, Thực lục lấy điện thoại trong túi cháu Trang rồi cùng Phóng đưa nạn nhân xuống vứt ở suối Ea Muých (cách hiện trường khoảng 1km) nhằm mục đích phi tang.
Do nước suối cạn, thi thể không trôi nên hai đối tượng tiếp tục khiêng xác nạn nhân lên bờ, để ở cống phía trên suối Ea Muých rồi điều khiển xe bỏ đi. Sau đó, Thực bàn với Phóng hạn chế liên lạc qua điện thoại, tuyệt đối giữ bí mật về hành vi phạm tội và vứt tháo sim, vứt điện thoại của nạn nhân vào bụi rậm.
Ảnh hưởng “hút bồ đà”?
Tối hôm đó, gia đình nạn nhân chờ mãi không thấy con gái về nên tổ chức đi tìm và phát hiện ra sự việc nên lập tức trình báo cơ quan chức năng.
Theo lời người thân trong gia đình, ban đầu ai cũng nghĩ cháu Trang gặp tai nạn và tử vong. Tuy nhiên, khi kiểm tra kĩ thi thể con gái cũng như hiện trường, họ phát hiện nhiều điểm bất thường nên lập tức trình báo cơ quan chức năng đến điều tra, làm rõ.
Trước vành móng ngựa, Bị cáo Phóng một mực chối tội và cho rằng, ngày 4/4/2016, sau khi uống rượu xong thì mình về nhà ngủ còn Thực trở về huyện Ea Kar. Tuy nhiên, bị cáo không có bằng chứng và nhân chứng cho lời khai của mình.
Bên cạnh đó, Phóng cũng cho rằng trong quá trình điều tra, mình bị ép cung, mớm cung chứ không phạm tội. Dù vậy, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk và HĐXX đã đưa ra những chứng cứ, lập luận, khẳng định bị cáo không bị ép cung. Bởi lẽ, trong quá trình lấy lời khai đối với Phóng, CQĐT đã cho mời mẹ ruột, cậu ruột và luật sư đến giám hộ, chứng kiến (thời điểm phạm tội Phóng chưa đủ 18 tuổi). Tại thời điểm đó, Phóng đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình. Bên cạnh đó, trong các bản tự khai có người giám hộ, Phóng đã thừa nhận tất cả tội lỗi.
Cha mẹ nạn nhân ôm theo di ảnh con gái tại tòa |
Mẹ của Phóng một mực bênh con, cho rằng hôm đó mình đi hái tiêu về (khoảng 18h) thì thấy Phóng nằm ngủ trên giường. Tuy nhiên, ngoài mẹ ruột của bị cáo ra thì không ai nhìn thấy Phóng vào thời điểm trên.
Khi bị cáo Phóng một mực chối tội thì bị cáo Thực lại thừa nhận tất cả hành vi. Thực khai rằng, hôm 4/4, sau khi nhậu say đã một mình điều khiển xe về huyện Ea Kar. Trên đường đi, do đã say rượu, cộng thêm việc đã “hút bồ đà” nên bị cáo không biết sợ, không làm chủ được bản thân và gây ra cái chết đối với cháu Trang.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi về tình tiết vụ án, bị cáo Thực khai “không nhớ rõ” vì lý do “quá say”. HĐXX đưa ra lập luận rằng, bị cáo nhớ rõ nơi vứt điện thoại của nạn nhân, phân biệt được khúc gỗ gây án khi thực nghiệm hiện trường. Bởi vậy, việc Thực khai không nhớ rõ tình tiết khi gây án là cố tình khai vòng vo để gánh tội cho Phóng.
Bên cạnh đó, HĐXX còn công bố lời khai của nhiều em học sinh (có phụ huynh và giáo viên giám hộ) về việc thấy 2 thanh niên lạ xuất hiện ở hiện trường thời điểm cháu Trang bị sát hại; lời khai của nhiều bị can khác (cùng bị tạm giam chung với Thực và Phóng) về việc hai người này kể lại hành vi phạm tội.
Gánh tội cho em?
Tại toà, HĐXX cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ án, CQĐT đã cử gần 200 cán bộ xuống hiện trường, lấy lời khai của hơn 100 người để xác minh, truy tìm hung thủ. Qua đó, CQĐT thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh có hai đối tượng liên quan đến cái chết của nạn nhân.
Trong quá trình điều tra, Phóng và Thực đã thừa nhận hành vi phạm tội. Trong đó Thực là chủ mưu, Phóng là người giúp sức tích cực. Tuy nhiên, đến khi ra tòa, Thực lại khai chỉ một mình gây án nhằm mục đích gánh tội cho em họ là Phóng.
Tại toà, cha mẹ bị cáo yêu cầu HĐXX phải có bản án thích hợp, trừng trị thủ phạm đã cướp đi mạng sống của con gái mình. Đồng thời phải bồi thường cho gia đình tổng cộng 182 triệu tiền chi phí mai táng, tổn thất tinh thần….
HĐXX cho biết, năm 2011, Thực đã gây ra vụ cướp tài sản ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Sau đó TAND huyện Đắk Mil đã kết án 3 năm 6 tháng tù đối với bị cáo này. Năm 2014, Thực ra tù nhưng chưa được xoá án tích và tiếp tục phạm tội nên đây là trường hợp tái phạm đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, Thực còn có một số tình tiết tăng nặng khung hình phát như “giết trẻ em, phạm tội có tính chất côn đồ…”.
Bởi vậy, HĐXX nhận định, đáng lý Thực phải chịu mức án cao nhất là tử hình mới thích đáng, đúng với quy định pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo này có ông nội và ông ngoại là những người có công với cách mạng (liệt sĩ, được tặng huân chương kháng chiến), đã tác động gia đình bồi thường cho phía nạn nhân 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thực là người dân tộc thiểu số, học vấn thấp nên được HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án xuống tù chung thân.
Bị cáo Phóng cũng được HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ mức án vì khi gây án, Phóng chưa đủ 18 tuổi.
Khi được nói lời sau cùng để HĐXX vào nghị án, Thực vẫn nhận tội về mình và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Ngược lại, Phóng vẫn khăng khăng chối tội.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thực mức án tù chung thân về hành vi giết người. Với tội danh tương tự, Phóng bị tuyên phạt 12 năm tù giam.
Trao đổi với PV sau phiên tòa, gia đình nạn nhân cho biết, họ chưa đồng ý với mức án trên và sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.