Đối với thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu, Chi cục Hải quan Hưng Yên duy trì và đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp.
Chi cục đã triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống liên thông một cửa Quốc gia, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống nộp thuế điện tử 24/7, các hệ thống quản lý mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu nghiệp vụ để thực thi công vụ được nhanh chóng, hiệu quả. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến giao dịch, làm thủ tục thông quan, góp phần tăng thu vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Đến hết quý I, Chi cục Hải quan Hưng Yên thu NSNN ước đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Như vậy, về tổng thể, kết quả thu NSNN quý I.2021 đạt khá, là tín hiệu vui trong quá trình thực hiện dự toán thu NSNN cả năm 2022.
Tuy nhiên, số thu NSNN quý I bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm như: Số thu từ tiền sử dụng đất giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn có số nộp NSNN giảm so với cùng kỳ năm trước như: Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark, Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ bia –rượu- nước giải khát Hà Nội; Chi nhánh Hưng Yên - Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning. Một phần do chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 1 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị định số 15) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2022.
Trong đó, “điểm nhấn” là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết, việc áp dụng chính sách giảm thuế này sẽ tác động giảm thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022. Hiện Cục Thuế tỉnh đang tập trung khai thác các nguồn thu vãng lai phát sinh, để bù đắp khoản hụt thu này.
Để bảo đảm hoàn thành dự toán số thu NSNN cả năm, trên cơ sở dự báo những thách thức và thuận lợi, các cơ quan thu (Thuế, Hải quan) cần chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, phù hợp với tình hình thực tế. Các Chi cục Thuế, các phòng quản lý thu cần thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn, chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng khoản thu, sắc thuế, từng khu vực kinh tế.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hoá, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng nhằm chống thất thu ngân sách.
Đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN đối với các khoản tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán và Thanh tra. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kê khai thuế, bảo đảm 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.
Năm 2022, HĐND tỉnh Hưng Yên giao thu NSNN trên địa bàn là 19.525 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 15.925 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.600 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh tiếp tục được giao tự bảo đảm cân đối thu, chi NSNN và có điều tiết về Trung ương.