* Thủ lĩnh “áo đỏ” tuyên bố kết thúc biểu tình
* Bangkok lại áp đặt lệnh giới nghiêm
* 2 tháng biểu tình, 68 người thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương
Tại sân khấu chính ở khu vực biểu tình, 7 lãnh đạo phe áo đỏ nói rằng, họ chính thức kết thúc biểu tình chống Chính phủ và đầu hàng bởi không muốn có thêm người thương vong. Nattawuk Saikua, một trong các thủ lĩnh áo đỏ, thúc giục hàng ngàn người biểu tình khác đầu hàng. Tuyên bố này được đưa ra sau khi quân đội Thái Lan tiến hành chiến dịch xông thẳng vào hàng rào an ninh của lực lượng áo đỏ ở trung tâm thủ đô Bangkok vào sáng 19-5.
Quân đội Thái Lan tập hợp trước một hàng rào do những người biểu tình dựng ở Bangkok. Ảnh: EPA |
Báo Bangkok Post cho biết, Bangkok đã trở thành chiến trường ác liệt khi quân đội với các xe bọc thép xuyên thủng hàng rào an ninh bằng tre và lốp xe bao quanh trại biểu tình của phe áo đỏ. Các xe bọc thép húc đổ hàng rào của trại biểu tình khiến lốp xe cũ văng khắp nơi, những cây tre gãy vụn. Các binh sĩ thỉnh thoảng bắn súng về phía trại áo đỏ và họ được lệnh bắn hạ ngay lập tức bất kỳ trường hợp nào kháng cự. Khói đen bốc lên từ bên trong khu vực này, bao phủ những tòa nhà chọc trời của trung tâm có 10 triệu người sinh sống.
Khi vào bên trong, binh sĩ bắn súng trường M-16 vào những người biểu tình đang bỏ chạy và kêu gọi đầu hàng. Trực thăng quần lượn ở trung tâm Bangkok. Ít nhất hai người biểu tình và một nhà báo nước ngoài đã thiệt mạng. Một phóng viên ảnh của AP đã nhìn thấy ba nhà báo nước ngoài bị bắn. Trong đó, một phóng viên người Ý bị bắn vào ngực, một phóng viên người Hà Lan bị thương ở vai, và nhà làm phim tài liệu 53 tuổi người Mỹ bị bắn vào chân. Ít nhất 15 người dân bị thương.
Những người biểu tình bị thương. Ảnh: EPA |
Người phát ngôn Chính phủ Panitan Wattanayagorn cho hay, đây là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động của quân đội nhằm bảo đảm an ninh cho khu vực xung quanh công viên Lumpini và một số thủ lĩnh áo đỏ đã bỏ chạy. Ông Panitan yêu cầu người dân thông báo với cảnh sát nếu phát hiện tung tích của bất kỳ thủ lĩnh áo đỏ nào. Song, hai trong số ba lãnh đạo chủ chốt của phe áo đỏ vẫn ở lại khu vực biểu tình với những phát biểu thách thức, thậm chí còn hát vang trên sân khấu chính. Đến chiều 19-5, 7 lãnh đạo phe áo đỏ bị bắt giữ và đưa về trụ sở cảnh sát quốc gia ở Bangkok. Người phát ngôn quân đội Sansern Kaewkamnerd mô tả họ là “thủ lĩnh khủng bố” và nói rằng “toàn bộ tình huống hiện đã được kiểm soát”.
AFP cho hay, sáng 19-5, cựu Thủ tướng Thái Lan đang lưu vong Thaksin Shinawatra bác bỏ cáo buộc ông đã phá hủy các cuộc đàm phán hòa bình giữa những người biểu tình và Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh ông không phải là “người vạch kế hoạch khủng bố”. Vị Thủ tướng bị lật đổ vào năm 2006 trong một cuộc đảo chính khẳng định ông không phải là lãnh đạo của Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) - tên gọi chính thức của phe áo đỏ - và họ không đại diện cho ông để kêu gọi các cuộc bầu cử mới. |
Hãng AP dẫn lời một binh sĩ nói: “Đây là ngày D-Day” (ngày quân đồng minh đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp trong Thế chiến thứ II). Theo báo New York Times, thượng nghị sĩ Lertrat Rattanawanit lý giải các cuộc đàm phán trước đó đều bị phá vỡ là do những người biểu tình đưa ra quá nhiều yêu cầu.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố chấm dứt biểu tình của các thủ lĩnh áo đỏ, bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp Bangkok. Trụ sở kênh truyền hình địa phương Thái Lan Channel 3 đã bị phe áo đỏ đốt cháy do họ cáo buộc báo chí địa phương thiên lệch phía Chính phủ. Central World Plaza, tòa nhà mua sắm lớn ở trung tâm thương mại Bangkok, và sàn chứng khoán cũng bị đốt cháy.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm ở Bangkok từ 20 giờ ngày 19-5 đến 6 giờ ngày 20-5, đồng thời nghiêm cấm tất cả mọi người rời khỏi nhà vào khoảng thời gian này mà không được sự cho phép của các nhà chức trách.
Biểu tình của phe áo đỏ hơn hai tháng đã khiến 68 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. Riêng một tuần bạo lực vừa qua đã có 42 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
- 14-3: Phe áo đỏ tiến vào thủ đô Bangkok, bao vây tòa nhà Chính phủ
- 16-3: Người biểu tình tiến hành chiến dịch “tưới máu” lên tòa nhà Chính phủ
- 30-3: Đàm phán bế tắc
- 3-4: Lực lượng áo đỏ chiếm trung trung tâm thương mại ở Bangkok
- 10-4: Quân đội mở chiến dịch trấn áp người biểu tình, 25 người thiệt mạng
- Từ 13 đến 17-4: Các cuộc xung đột làm 36 người thiệt mạng
- 19-5: Quân đội tấn công “căn cứ địa” của phe áo đỏ.
VĨNH AN