Thu hút FDI trong bối cảnh triển khai thuế tối thiểu toàn cầu: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN - FDI) là một trong các “điểm sáng” của năm 2023 khi tổng vốn đăng ký đạt gần 37 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022. Năm 2024 Việt Nam bắt đầu thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC), Việt Nam có giải pháp nào để thu hút cũng như giữ chân các nhà đầu tư (NĐT)?

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, PLVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng nhận định như thế nào về các thách thức trong thu hút ĐTNN Việt Nam có thể đối mặt trong năm 2024?

- Năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, thu hút FDI của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, trên thế giới, xung đột địa chính trị vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường. Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn năm 2023 (5,2%).

Cùng với đó, các NĐT đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn ĐTNN. Đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá 20 - 25% nên ảnh hưởng đến ĐTRNN của hai đối tác lớn nhất này.

Mặt khác, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao; cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà ĐTNN, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ ĐTNN.

Ngoài ra, việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế TTTC sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút ĐTNN.

Bản thân môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho DN. Đặc biệt, thủ tục hành chính “sau đầu tư” (như: đất đai; xây dựng; phòng cháy, chữa cháy,…) còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư; các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá tại Việt Nam như: công nghệ cao (CNC), đổi mới sáng tạo (ĐMST), năng lượng,.. chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư. Mặc dù một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, song kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn…

Vậy thưa Bộ trưởng, chúng ta cần có giải pháp gì để tăng cường thu hút ĐTNN, nhất là trong bối cảnh triển khai thuế TTTC từ 01/01/2024?

- Trước hết, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ĐTNN phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, như: Năng lượng tái tạo, xử lý rác thải; phát triển đô thị xanh; nông nghiệp sạch; nghiên cứu và phát triển (R&D); công nghệ thông tin; ĐMST…

Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: Đất đai; xây dựng; phòng cháy, chữa cháy; môi trường; hải quan,….

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ; tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển KT-XH.

Thứ tư, đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của DN cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNC, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.

Thứ năm, hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút ĐTNN trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá (như: CNC, bán dẫn, ĐMST…); tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các DN triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Thứ sáu, sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế TTTC, bảo đảm niềm tin của NĐT, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Thứ bảy, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển KT-XH. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của NĐT.

Cuối cùng, chọn những lĩnh vực đột phá như: CNC, ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo,... Từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực nên trên thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại NIC Hòa Lạc. (Nguồn ảnh: thainguyentv.vn)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại NIC Hòa Lạc. (Nguồn ảnh: thainguyentv.vn)

Năm vừa qua, Bộ KH&ĐT đã tiên phong làm việc với những DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ĐMST, kêu gọi đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được và kế hoạch trong những năm tới?

- Thời gian qua, đã có nhiều DN công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) để triển khai nhiều chương trình, hoạt động ĐMST, hỗ trợ DN chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như: Google, Meta, Siemens, Hitachi,...

Trong năm 2023, thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực ĐMST với các DN hàng đầu trên thế giới. Thông qua đó, đã có nhiều DN quốc tế lớn như: John Cockerill, Synopsys, Cadence,... ký kết các thỏa thuận hợp tác với NIC.

Tại Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 kết hợp Lễ khánh thành cơ sở hoạt động của NIC tại Hòa Lạc, các cơ sở ĐMST và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn của các DN công nghệ lớn như: Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc. Cùng với đó, Triển lãm đã quy tụ hàng trăm DN, tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế như: SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA,... cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.

Đặc biệt, sau những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều DN lớn trên thế giới đã tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như: chíp, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao,… Trong những tháng cuối năm 2023, đã có những DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như: Nvidia, các DN thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon) đến làm việc với Bộ KH&ĐT, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với NIC và các DN của Việt Nam.

Trên cơ sở những kết quả hợp tác đã đạt được, Bộ KH&ĐT đang chỉ đạo NIC tập trung triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất với các đối tác hiện nay, đồng thời chủ động tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong 8 lĩnh vực trọng tâm để thiết lập hoạt động tại các cơ sở hoạt động của NIC, đặc biệt là cơ sở tại Hòa Lạc. Từ đó góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng dựa nhiều hơn vào các động lực mới (như: kinh tế số, khoa học công nghệ, ĐMST…); các ngành, lĩnh vực mới (như: chíp, bán dẫn; năng lượng tái tạo; hydrogen,…).

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

“Cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Những yếu tố như “cuộc chiến” kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI CNC. Mặc dù việc áp thuế TTTC từ ngày 01/01/2024 làm mất đi lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong việc thu hút FDI, tuy nhiên cũng mang đến những lợi ích cho Việt Nam, giúp giải quyết được câu chuyện chuyển giá trong hoạt động đầu tư FDI.

Để có thể ứng phó với thuế TTTC, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư để giữ chân các “ông lớn” FDI; đồng thời cũng thu hút thêm các NĐT mới trong năm 2024. Muốn vậy thì chính sách đầu tư cần phải được thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ phải làm tốt hơn và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam…”.

(Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Vafie)

“Bên cạnh việc xem xét ưu đãi bổ sung bao gồm cả ưu đãi về tài chính, để thu hút cũng như giữ chân NĐT thì Việt Nam cần phải tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng KT-XH quốc gia; hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNC, kinh tế xanh; hỗ trợ và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính.

Đối với việc áp thuế TTTC, lợi ích đầu tiên khi áp dụng thuế TTTC là bảo đảm được quyền cũng như lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế TTTC. Mặt khác, việc áp dụng thuế TTTC sẽ bảo đảm được sự công bằng và bình đẳng giữa các DN trong nước với các DN FDI. Đồng thời thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với xu thế chung của thế giới, trong khi vẫn giữ nguyên được chính sách ưu đãi đối với các DN không thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC.

Để có thể giữ chân các NĐT CNC, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông để có thể góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất - kinh doanh cho DN bên cạnh việc đầu tư nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng - xã hội quốc gia; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho các DN FDI, nhất là trong lĩnh vực CNC, kinh tế xanh…”.

(PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Chuyên gia kinh tế)

Đọc thêm

Làm rõ khó khăn, vướng mắc mới "cứu" được dự án BOT

Làm rõ khó khăn, vướng mắc mới "cứu" được dự án BOT (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Trong tổng số 140 dự án BOT giao thông được triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ban hành, hiện có 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn vướng mắc cần xử lý, được chia thành 3 nhóm. Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ GTVT báo cáo tại buổi làm việc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 24/4.

Tập trung gỡ vướng cho các công ty nông, lâm nghiệp

Công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, khó khăn. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
(PLVN) - Chiều 25/4, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Nhiều dự án ở Khu kinh tế Dung Quất chậm tiến độ

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kiểm tra các dự án ở KKT Dung Quất.
(PLVN) - Loạt dự án giao thông quan trọng hay hạ tầng tái định cư để ổn định dân sinh, tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư ở Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đang bị chậm tiến độ vì vướng mặt bằng.

Doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử đạt 6,6 triệu tỷ đồng trong 2 năm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn chia sẻ thông tin với báo chí chiều 25/4.
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong 2 năm gần đây (2022-2023) đã ghi nhận doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là 6,6 triệu tỷ đồng. Con số này có xu hướng gia tăng khi năm 2023 đã đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 0,4 triệu tỷ đồng so với năm 2022.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: NHNN)
(PLVN) - Hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức với Chủ đề “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” với sự tham gia thuyết trình của các chuyên gia tài chính, công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đến từ Google, IBM, Fidelity, SAP… sẽ là điểm nhấn quan trọng của sự kiện chuyển đổi số (CĐS) ngành ngân hàng năm nay…

Tôn vinh Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Top 50 DN tăng trưởng xuất sắc Việt Nam năm 2024
(PLVN) - Ngày 24/4, Công ty cổ phần (CTCP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet chính thức tổ chức Lễ công bố Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), Top 10 & Top 5 Công ty Bất động sản - Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2024.

200 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng

Khách mời tham quan các công nghệ xuất hiện tại triển lãm
(PLVN) - 200 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đã mang những công nghệ tiên tiến nhất của mình đến trưng bày tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cập nhật những công nghệ thân thiện với môi trường. 

Vinachem nỗ lực đưa hàng tới ‘xứ Samba’

Phương thức vận chuyển là một trong những nội dung mà Vinachem và các đối tác phía Brazil đã bàn bạc.
(PLVN) - Trong vòng 6 tháng, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã 3 lần gặp các đối tác phía Brazil tại Santos, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… để xúc tiến thương mại cho hàng Việt Nam cập bến thị trường châu Mỹ ngày một nhiều thêm.

Anh hùng Lao động, doanh nhân Hoàng Đức Thảo nhận Giải thưởng 'Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu'

Anh hùng Lao động, Doanh nhân - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo (bìa trái) nhận Giải thưởng cao quý.
(PLVN) - Ngày 23/04/2024, tại Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu do Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) tổ chức tại Dubai (UEA), Ban tổ chức đã trao Giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và Sắc phong học hàm Viện sĩ danh dự cho Anh hùng Lao động, Giáo sư- Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc BUSADCO.

Ngành Dầu khí duy trì đà tăng trưởng ấn tượng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu hàng năm cho thị trường trong nước. (Ảnh: PVN)
(PLVN) - Trong bối cảnh giá dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề phức tạp của chính trị toàn cầu nhưng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng các đơn vị thành viên vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế!

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế!
(PLVN) - Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau 11 năm dự kiến tổ chức vào sáng hôm qua (22/4) đã bị hủy. Dự kiến 9h sáng nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mở lại phiên đấu thầu.Theo các chuyên gia, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế.

Vướng mắc tại dự án thủy điện Cam Ly (Lâm Đồng): UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp và Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn cách giải quyết

Dự án Nhà máy thủy điện Cam Ly đang được thi công. (Ảnh: Mai Long)
(PLVN) - Chiều ngày (22/4), tại buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và một số DN trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Dũng (đại diện Cty Việt Hưng, chủ đầu tư (CĐT) dự án nhà máy thủy điện Cam Ly) nêu một số khó khăn, chậm trễ trong thủ tục chuyển nhượng dự án Cam Ly.