Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm. Song, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT - ông Đỗ Nhất Hoàng - thu hút FDI lại có sự chuyển biến tích cực, hướng dần vào chất…
Trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án pin mặt trời Fist Solar tại TP.HCM - một trong hai dự án có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD trong năm 2011 |
Giảm chưa hẳn đã xấu
Tính đến 15/12, vốn đăng ký đầu tư mới và tăng thêm trong năm 2011 đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so với năm 2010; riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, chỉ bằng 65% so với năm 2010. Nhưng, qua một năm nhìn lại, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (DDTNN) lại cho rằng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
Theo đó, vốn FDI đăng ký trong năm 2011 tập trung 76,4% vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (54,1%). Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2011 chỉ còn chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký, trong khi năm 2010, lĩnh vực này chiếm 34,3%. Đặc biệt, vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,65 lần mức vốn đăng ký tăng thêm của năm 2010 (1,89 tỷ USD). “Điều này cho thấy các nhà ĐTNN vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại VN”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định.
Trong bối cảnh khó khăn, vốn thực hiện và hoạt động của các doanh nghiệp (DN) FDI năm 2011 vẫn đạt kết quả khả quan, với 11 tỷ USD vốn thực hiện, bằng mức năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,3% so với năm 2010. Thu nội địa đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD). Nhờ có sự đóng góp từ khu vực FDI, dẫn đến tăng thu ngân sách và giảm bội chi NSNN.
Thúc đẩy giải ngân
“Trong năm 2011 đã có sự đổi mới cách triển khai (thu hút đầu tư) theo hướng có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, thể hiện tính khu vực, liên vùng, liên ngành cao và mang tình chuyên đề...”- ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết. Theo vị này, Bộ KH&ĐT đang cùng các bộ, ngành soạn thảo đề án đối tác chiến lược, danh mục quốc gia kêu gọi ĐTNN giai đoạnh 2011- 2015 và Nghị quyết của Chính phủ về ban hành quy chế về quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư trình Chính phủ trong thời gian tới.
Bước sang năm 2012, thông điệp được Bộ KT&ĐT đưa ra là: nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI.
“Việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về số lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI. Thu hút FDI phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020. Đồng thời thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường; tạo sự liên kết khu vực và liên kết vùng; công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực…
Hạn chế thu hút FDI trong những lĩnh vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, sử dụng khong hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm…”- Thứ trưởng Phương lưu ý. Được biết, năm 2012, mục tiêu đặt ra cho thu hút FDI là 15-16 tỷ USD đăng ký, giải ngân 10-11 tỷ USD…
Tính đến ngày 15/12/2011, VN có 13.667 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, VN vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thế giới. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2010 – 2012 của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy VN đã thăng hạng 3 bậc, đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh doanh Nikkei (Nhật Bản) cũng cho thấy, VN được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. |
T.Lan