Khởi kiện để đòi quyền lợi
Ông Nguyễn Văn Tùng (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là một trong số các hộ dân đã khởi kiện UBND huyện Cần Giuộc và chủ tịch UBND huyện này bởi cho rằng việc thu hồi, bồi thường đất là không đúng quy định Luật Đất đai. Vụ kiện đã được TAND tỉnh Long An thụ lý và mới đây ông Tùng đã đến Tòa để làm việc theo thủ tục vụ kiện.
Ông Tùng trình bày, năm 2007, UBND huyện Cần Giuộc ban hành quyết định thu hồi của gia đình ông tổng cộng 42.186m2 đất nông nghiệp với 9 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 2, xã Tân Tập. Theo như các quyết định thu hồi, doanh nghiệp được chính quyền giao đất sẽ xây dựng kinh doanh khu công nghiệp, khu dân cư, khu cảng, khu du lịch và khu công nhân.
Quá trình thu hồi đất kéo dài đến cuối năm 2017, khi đó UBND huyện Cần Giuộc điều chỉnh mức giá bồi thường là 160.000 đồng/m2. Giai đoạn 2017 – 2018, mức giá này theo ông Tùng là thấp hơn giá đất nông nghiệp trên thị trường, vốn đã lên đến tiền triệu mỗi m2. Cũng như nhiều hộ dân khác, ông Tùng từ chối nhận tiền bồi thường với lý do đơn giản, số tiền bồi thường chẳng thể mua lại đất để tái sản xuất.
Tháng 8/2018, UBND huyện Cần Giuộc ban hành quyết định cưỡng chế đối với ông Tùng. Đến ngày 29/11/2018, ông Tùng bị cưỡng chế thu hồi phần đất diện tích 42.186m2. “Đoàn cưỡng chế làm hư hại tài sản trên đất của tôi, gây thiệt hại cho tôi. Trong đó có đầm tôm tôi đang canh tác, rừng dừa nước, cây đước. Đây là chén cơm gia đình tôi”, ông Tùng trình bày.
Còn tại thời điểm này, dù vụ kiện đang được TAND tỉnh Long An xem xét giải quyết, tuy nhiên tại phần đất của ông Tùng – nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy thép, việc bơm cát để san lấp mặt bằng vẫn đang diễn ra. Việc bơm cát từ cửa sông lên đồng ruộng còn gây ô nhiễm môi trường nước, xáo trộn môi sinh tại khu vực.
Nhưng cảnh tượng ruộng đồng giờ thành bình địa chưa khiến ông Tùng bức xúc bằng việc đứng cạnh ngôi mộ của người chú mà bây giờ trông như một cái ao. Ông Tùng cho hay, vì số tiền bồi thường quá thấp và chưa có nơi để dời mộ về nên ông chưa thể bốc mộ. Cách đây vài tháng, đơn vị thi công làm đường sau khi móc đụng quan tài thì khoanh lại để đó.
Ngôi mộ của người chú ông Tùng bị đào bới dù chưa nhận đền bù, bốc mộ đi nơi khác |
“Đây là ngôi mộ của chú ruột tôi chôn năm 1978, đúng ra khi quy hoạch, thu hồi đất thì phải có nghĩa trang, vì tôi không có đất chôn cất ở ngoài nên chưa biết bốc mang đi đâu. Nhìn vậy xót ruột nhưng ngôi mộ giá bồi thường có 6 triệu đồng, trong khi để mua cái huyệt mộ mới đã mất mười mấy triệu đồng, rồi còn tiền thuê người bốc mộ, vận chuyển, chôn cất…”, ông Tùng khổ sở nói.
Một câu chuyện đơn giản nhưng thấy rõ được nghịch lý mà ông Tùng và nhiều hộ dân ở đây đối mặt. Đó là với số tiền nhận được theo mức giá bồi thường địa phương áp dụng, họ phải ổn định cuộc sống với vật giá thị trường vốn cao hơn nhiều lần. Sự chênh lệch quá lớn đẩy người dân vào cảnh không có đất sản xuất, thất nghiệp, tương lai bất ổn.
Lãnh đạo huyện sẽ ra Tòa
Ông Tùng cũng như hầu hết người dân bị thu hồi đất đều đồng tình nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý. Đó là phải xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân khi mất đất sản xuất, cuộc sống xáo trộn.
Ngoài ra, theo người dân, Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể về việc thu hồi, bồi thường đất để đảm bảo quyền lợi người dân, cụ thể như quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Hay như quy định tại Điều 112, Luật Đất đai 2013 cũng đề cập việc định giá đất để bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường mua bán.
“Tại sao doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện dự án thì cho thuê, kinh doanh đất theo giá thị trường cao ngất ngưởng còn người dân phải nhường đất với mức giá thấp hơn nhiều? Tại sao dự án cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhưng doanh nghiệp không thỏa thuận với người dân? Dự án đang thực chất đang làm lợi cho ai?...”, những câu hỏi cứ ảm ảnh ông Tùng.
Liên quan đến những kiến nghị của ông Tùng, ngày 19/8/2019, UBND tỉnh Long An đã có văn bản trả lời. Trong đó khẳng định, việc thu hồi đất đối với ông Tùng là đúng chủ trương của UBND tỉnh Long An tại Công văn số 3489/UBND-KT ngày 26/7/2006 và Công văn số 5984/UBND-KT ngày 23/11/2007.
Đơn giá bồi thường áp dụng đối với ông Tùng là 160.000 đồng/m2, được thực hiện theo Quyết định phê duyệt số 3314/QĐ-UBND ngày 8/9/2017 của UBND tỉnh Long An. Vì ông Tùng không nhận tiền bồi thường nên ngày 18/5/2018 cơ quan chức năng huyện Cần Giuộc đã gửi tiền bồi thường vào Kho bạc Nhà nước.
“UBND huyện Cần Giuộc đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Nguyễn Văn Tùng đúng theo Luật Đất đai 2013 và Quyết định 35/2016/QĐ-UBND ngày 7/7/2016 của UBND tỉnh Long An quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh Long An”, văn bản của UBND tỉnh Long An khẳng định.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Đỗ Hữu Trung – Chánh văn phòng UBND huyện Cần Giuộc cho biết, về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất của người dân, ông Trung cho rằng việc này ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nhưng vẫn phải làm vì để phát triển kinh tế địa phương. Trường hợp thu hồi, bồi thường về đất đối với ông Tùng là thực hiện theo đúng chủ trương, quy định của UBND tỉnh.
Về việc ông Tùng khởi kiện UBND huyện Cần Giuộc và chủ tịch huyện ra Tòa, yêu cầu hủy các quyết định liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất, thời gian qua huyện đã nhận được văn bản của Tòa yêu cầu cung cấp ý kiến về vụ kiện. Đơn vị đã có phản hồi cho Tòa và đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho phiên tòa. “Vụ kiện của ông Tùng được lãnh đạo huyện quan tâm, lãnh đạo huyện sẽ dự Tòa”, ông Trung cho biết.
Theo Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyện vọng của người dân về việc bồi thường đất đai phải theo giá thị trường trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ theo Khoản 2 Điều 74 Luật đất đai 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Luật này cũng quy định việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng…”.
Đối với nguyện vọng của người dân về việc đối thoại, thỏa thuận với chủ đầu tư về giá bồi thường đất để làm dự án, luật sư Cường cho rằng cần xác định dự án ở đây thuộc trường hợp nào. Theo luật sư, với dự án kinh tế thì phải là cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất, giá đất thu hồi cần phải dựa theo giá thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của doanh nghiệp. Giá đất là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của các dự án thu hồi đất bởi gây cho người dân nhiều bức xúc. Đặc biệt là khi tiền bồi thường không tương xứng với giá trị tài sản bị mất đi, tiền bồi thường không đủ để mua được một mảnh đất tương đương. Tấc đất tấc vàng, mất đi diện tích đất có khi là của cha ông để lại, có khi là cả tài sản cơ nghiệp hoặc mồ hôi nước mắt gây dựng nên, người dân nào cũng xót. Do đó việc dựa trên giá thị trường để tính giá thu hồi là cần thiết.