Theo Cục QLTT Lào Cai, vào ngày 19/6, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng kinh doanh LPG, thuộc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Thịnh Thành (địa chỉ tại số 136, đường Giải Phóng, thị trấn Mường Khương) 144 bình gas ghi có dấu hiệu giả mạo tem nhãn thương hiệu Petro Việt Nam Gas, do tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.
Tới chiều 23/7, Đội QLTT số 3 (thuộc Cục QLTT Lào Cai) cùng các cơ quan chức năng có liên quan và đại diện Công ty CP kinh doanh LPG Việt Nam, đơn vị duy nhất được kinh doanh nhãn hiệu Petro Việt Nam Gas (nhãn hiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cùng tiến hành mở niêm phong kiểm định.
Bước đầu xác định, số bình gas này có rất nhiều tem nhãn dán ở trên bao bì, thể hiện có nhiều cơ sở sang chiết gas khác nhau; trên các nút cổ bình không được dán các tem chống hành giả theo quy định. Thậm chí, nhiều bình đã hết niên hạn kiểm định chất lượng vỏ bình, nhưng các cơ sở này vẫn sang chiết gas đem đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thái, Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết: “Về hướng xử lý, đội sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng và chủ cửa hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chủ cửa hàng không hợp tác. Sơ bộ kết luận, tại thời điểm kinh doanh, chủ cửa hàng không niêm yết giá, không treo biển hiệu đối với cơ sở kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hạn, địa điểm kinh doanh không đúng với đăng ký kinh doanh… Với những lỗi vi phạm này, cơ sở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính gần 200 triệu đồng”.
Cũng theo Đội QLTT số 3, hiện nay thị trường gas tương đối phát triển ở những vùng sâu, vùng xa vì vậy có một vài đơn vị kinh doanh gas lợi dụng những khu vực này, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trà trộn những bình gas không chính hãng bán cho người dân nên rất khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 3 sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh gas trôi nổi, không rõ nguồn gốc tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa.