Từ tiểu thương đến “bà trùm” bảo kê chợ cá
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị để mở rộng điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản do do Lý Thị Loan (còn gọi là Loan “cá”, 39 tuổi) và chồng là Nguyễn Quốc Tuấn (còn gọi là Tuấn “cá”, 43 tuổi, cùng ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Đây là băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê, thu tiền của những người buôn bán tại khu vực chợ Hóa An (TP Biên Hòa) và khu chợ công nhân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) nhiều năm nay khiến các tiểu thương sợ hãi.
Trước đó, qua nắm bắt tình hình và nhận tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai xác lập chuyên án, triệt phá thành công băng nhóm bảo kê này vào chiều 5/5 khi chúng đang thu tiền bảo kê của các tiểu thương. Cách đây nhiều năm, Loan “cá” là tiểu thương buôn bán cá diêu hồng tại chợ Hóa An.
Bắt giữ Lý Thị Loan - tức Loan "cá" |
Để tranh giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP Biên Hòa, khoảng 6 năm trước, Loan quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ. Từ đó, danh tiếng của Loan lan ra khắp khu vực Hóa An, người dân khi nghe tới đều khiếp sợ.
Biết được vị thế của mình trong khu vực, Loan bàn bạc với chồng tìm cách dằn mặt các tiểu thương. Khoảng đầu năm 2019, vợ chồng Loan “cá” thấy khu vực phía trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (nằm đối diện chợ Hóa An) có nhiều tiểu thương tự ý họp chợ buôn bán hàng rong nên đứng ra thu tiền bảo kê.
Lúc này, Loan cho đàn em gặp những người bán hàng bên đường đe dọa và yêu cầu phải “đóng phí” dọn vệ sinh, chỗ ngồi nếu muốn được buôn bán tại đây. Phí chỗ ngồi mỗi tiểu thương phải đóng cho vợ chồng Loan từ 100.000 - 400.000 đồng/tháng; tiền dọn vệ sinh, mỗi tiểu thương phải đóng từ 5.000 - 7.000 đồng/tháng. Việc thu tiền vệ sinh, vợ chồng Loan giao cho 2 đàn em là Ái và Tùng (chưa rõ lai lịch) trực tiếp thu.
Công an bắt giữ Nguyễn Quốc Tuấn (tức Tuấn “cá", chồng của Lý Thị Loan) |
Còn thu tiền mặt bằng hàng tháng, Loan giao cho Nguyễn Văn Tuấn (còn gọi là Tuấn “úc”, 29 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), Đỗ Huy Hùng (46 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) cùng 2 đàn em khác (chưa rõ lai lịch) thực hiện. Theo người dân, khi đàn em Loan “cá” đi thu tiền nếu người nào không chịu nộp sẽ bị băng nhóm đạp đổ hàng hóa, phá rối không cho buôn bán.
Càng ngày tiếng tăm càng lan rộng nên vợ chồng Loan cho đàn em mở thêm “dịch vụ” cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê ở khu vực phường Hóa An. Chợ cá Hóa An trở thành địa bàn hoạt động chính của vợ chồng Loan “cá”. Người dân dù rất bức xúc nhưng lo sợ bị đe doạ mạng sống nên không ai dám lên tiếng phản đối. Khoảng giữa năm 2019, vợ chồng Loan “cá” sống ly thân.
Lúc này, Loan thấy khu vực trước cổng Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, cách khu vực chợ Hóa An khoảng 7km) có nhiều người buôn bán như ở Hóa An nên chuyển đến địa bàn này hoạt động. Còn địa bàn khu vực chợ Hóa An, Loan giao lại cho chồng mình. Tại đây, nhóm Loan “cá” xảy ra những vụ đụng độ với một số nhóm thanh niên khu vực.
Vì trong tay có nhóm đàn em nên Loan nhanh chóng chiếm lĩnh được địa bàn. Khi chỗ đứng tại đây lớn mạnh, Loan “cá” bắt đầu tính kế gây sự với các băng nhóm khác để giành trọn địa bàn Khu công nghiệp Thạnh Phú.
Cánh tay phải đắc lực giúp Loan mở rộng địa bàn là Hoàng Thị Tuyết Nhung (còn gọi là Nhung “khàn”, 35 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP Biên Hòa). Sau khi chiếm trọn địa bàn Khu công nghiệp Thạnh Phú, đàn em của Loan thường có nhiều chiêu để thị uy sức mạnh với các tiểu thương. Điển hình là xăm trổ đầy mình, sau đó mặc áo quần hở hình xăm, lái xe nẹt pô xung quanh khu vực các tiểu thương buôn bán. Phương thức hoạt động của băng Loan “cá” tại khu vực này gần giống như cách hoạt động ở khu vực chợ Hóa An. Mỗi ngày có 1 - 2 đàn em lái xe máy dạo quanh khu vực các tiểu thương buôn bán nhắc nhở không được lấn lòng lề đường.
Nhưng thực chất là để thay phiên nhau theo dõi tình hình và thu tiền bảo kê của tiểu thương. Nếu phát hiện người mới đến bán, nhóm này sẽ thu tiền bảo kê theo ngày với giá 50.000 đồng. Với những tiểu thương bán lâu dài chúng sẽ thu 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu ai không chịu đóng hoặc đóng trễ, chúng sẽ kéo tới đập phá, đe doạ tính mạng.
Ngoài hoạt động bảo kê với tiểu thương, băng Loan “cá” cũng mở thêm “dịch vụ” cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê tại nhiều khu nhà trọ ở Khu công nghiệp Thạnh Phú và một số khu vực lân cận.
Tạm giam 10 đàn em của “bà trùm”
Đến nay, ngoài vợ chồng Loan “cá” cùng 3 đàn em Nguyễn Văn Tuấn, Đỗ Huy Hùng, Hoàng Thị Tuyết Nhung, cơ quan công an đã bắt tạm giam thêm 7 đối tượng liên quan đến đường dây hoạt động bảo kê, tín dụng đen của đôi vợ chồng này, gồm: Lê Trung Hiếu, Đặng Thái Quốc, Đỗ Xuân Dũng, Nguyễn Thành Tín, Trần Công Đại, Vũ Minh Tiến, Nguyễn Thanh Tuân (cùng ngụ TP Biên Hòa).
Sau khi bắt giữ vợ chồng Loan “cá” cùng đàn em, cơ quan công an nhanh chóng khám xét nơi ở các nghi can. Tại chỗ ở của Loan, lực lượng công an thu giữ gần 300 triệu đồng, trong đó có rất nhiều xấp tiền lẻ mệnh giá 1.000 - 10.000 đồng. Đây là tiền do băng nhóm này mới thu từ những người buôn bán các mặt hàng như rau, trái cây, tôm, cá… trên đường Đồng Khởi và tỉnh lộ 768 (huyện Vĩnh Cửu).
Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ nhiều cuốn sổ ghi số tiền mà nhóm này thu hàng ngày của hàng trăm người dân buôn bán, sổ ghi cho vay nặng lãi, sổ ghi tiền đòi nợ thuê, sổ ghi số đề… Khám xét nơi ở của Tuấn “cá”, cơ quan công an thu giữ nhiều cọc tiền có mệnh giá 1.000 - 20.000 đồng và nhiều tài liệu quan trọng, phục vụ cho công tác điều tra.
Cơ quan công an xác định, hiện có hơn 40 nạn nhân bị nhóm của vợ chồng Loan “cá” thu tiền bảo kê hàng tháng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn. Đồng thời, kêu gọi các tiểu thương buôn bán từng bị vợ chồng Loan “cá” cùng đàn em thu tiền bảo kê, cưỡng đoạt tài sản liên hệ với cơ quan công an nhằm cung cấp thêm thông tin để điều tra, làm rõ hành vi của các nghi can.
Vì sao vợ chồng Loan “cá” có thể chia nhau bảo kê, làm ăn phi pháp suốt thời gian dài tại 2 khu vực chợ tập trung công nhân nhiều nhất tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đi thu tiền bảo kê vẫn đóng tiền bảo kê
Trong nhóm đàn em Loan “cá” vừa bị bắt có Trần Công Đại, người từng đi thu tiền cho vợ chồng Loan. Đại thường cùng một số thanh niên khác đi thu tiền bảo kê chỗ ngồi của tiểu thương. Đến tháng 9/2019, Đại bị dính vào một vụ án cố ý gây thương tích nhưng sau đó có người bãi nại nên được thả về. Khi trở về, Đại đến khu vực gần cổng Công ty TNHH Changshin Việt Nam buôn bán.
Tuy nhiên, mỗi tháng Đại vẫn phải đóng tiền bảo kê 400.000 đồng/ tháng cho nhóm Loan. Người thu tiền và buộc Đại phải tuân thủ là Hoàng Thị Tuyết Nhung. Trong quá trình bắt nhóm Loan “cá”, Đại cũng bị bắt khi tham gia ép những tiểu thương khác cống nạp tiền bảo kê chỗ buôn bán.