Thủ đoạn mới của 'cát tặc' tại TP HCM

Bộ đội biên phòng kiểm tra một tàu có dấu hiệu hút cát trái phép.
Bộ đội biên phòng kiểm tra một tàu có dấu hiệu hút cát trái phép.
(PLVN) - Thông thường các xà lan trộm cát đều thiết kế có họng xả đáy, do đó khi lực lượng chức năng truy đuổi, chúng thường chạy ra vùng biển xa bờ để lợi dụng điều kiện sóng, gió, vừa chạy vừa xả cát khai thác qua van xả đáy để phi tang, gây khó khăn cho việc bắt giữ và xử lý.

Tình trạng khai thác cát lậu ào ạt khiến cho việc sạt lở bờ sông, bờ rạch ngày càng trở nên nghiêm trọng. TP HCM đang nỗ lực cùng với các địa phương lân cận ngăn chặn, xử lý tình trạng này. 

Mới đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biển Cần Giờ (TP HCM), Đoàn Trinh sát số 2 Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển đã phát hiện và kiểm tra tàu HP-4400 đang khai thác cát trái phép. Thời điểm kiểm tra, trên tàu có 6 thuyền viên do ông Vũ Ngọc Thái (SN 1988, quê xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) làm thuyền trưởng.

Ông Thái không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Đoàn đã bàn giao vụ việc cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Một vụ việc khác, sau nhiều lần mật phục, Đồn biên phòng Long Hòa (Cần Giờ) cũng đã khống chế, bắt được một xà lan khai thác cát lậu trên khu vực. Trong vụ này, các đối tượng trộm cát rất tinh vi, chọn đêm khuya mới hoạt động, dùng sà lan lớn che cho ghe nhỏ hút, ống xả máy hút được luồn xuống nước để hạn chế tiếng nổ. Các đối tượng còn rải lưới để ngăn chặn các phương tiện lạ đi vào khúc sông này khi chúng hút cát.

Báo cáo về công tác phòng, chống khai thác cát lậu của UBND TP HCM mới đây cho biết, các sở ngành, quận huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép, kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh cát và xử lý các phương tiện vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp.

Trong năm 2018, cơ quan chức năng TP đã bắt giữ, xử lý 69 vụ; xử phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ; tịch thu hơn 16.000m3 cát; tịch thu 4 ghe gỗ (vô chủ), 1 tàu tổng giá trị gần 10 tỷ; buộc nộp số tiền tương đương giá trị tang vật 2 tàu số tiền hơn 7 tỷ. 

Cơ quan chức năng cũng kiểm tra, xử lý 10 tổ chức cá nhân kinh doanh, vận chuyển cát trái phép với số tiền 414 triệu, tịch thu 630 m3 cát không rõ nguồn gốc. Đồng thời, xác minh, thu thập củng cố tài liệu chuyển CQĐT xem xét khởi tố 5 tổ chức có dấu hiệu mua bán hóa đơn để hợp pháp hóa cát không rõ nguồn gốc.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã bắt và xử lý 53 vụ với 65 phương tiện; xử phạt hành chính tổng số tiền gần 800 triệu. Tịch thu 3.500m3 cát, 3 ghe bơm hút cát, chuyển hồ sơ cho CQĐT đề nghị khởi tố hai đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 BLHS.

UBND TP HCM nhìn nhận, thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép ở một số quận, huyện trên địa bàn TP và các vùng ven đang ở mức báo động. Dọc theo bờ sông tại một số địa bàn, nhiều chỗ bị băm nát, có những đoạn dài cả cây số đổ ập xuống lòng sông tạo thành những vết hàm ếch nham nhở. Nhiều đoạn, đất vườn bị ngoạm vào hàng trăm mét, bờ sông biến thành vách đất dựng đứng...  

Về các khó khăn, UBND TP cho hay, địa hình các khu vực bị khai thác cát lậu thường có các đặc điểm xa khu dân cư, các đoạn sông có tầm nhìn rộng, dễ phát hiện đoàn kiểm tra từ xa; hoặc các khu vực, đoạn sông có nhiều nhánh, rạch nhỏ dễ tẩu thoát.

Các đối tượng thường sử dụng phương tiện đường thủy không đăng ký, trang bị máy hút cát tự tạo công suất lớn chờ đêm tối để bơm hút cát trái phép tại các đoạn sông vắng. Các ghe mua cát sẽ tiếp cận các đối tượng thỏa thuận giá cả, địa điểm hút, cập mạn nhận cát và thanh toán tiền ngay trên sông.

Khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện và truy đuổi, chúng thường lẩn trốn vào các sông rạch nhỏ hoặc đánh chìm phương tiện và tẩu thoát. Ở khu vực biển Cần Giờ, “cát tặc” lợi dụng địa thế xa bờ (các đối tượng thường khai thác ở vị trí cách xa bờ từ 10 -12km), điều kiện sóng to, gió lớn để khai thác vào ban đêm.

Ở khu vực này các đối tượng sử dụng xà lan có tải trọng lớn (500 - 1000 tấn), khả năng chịu đựng được sóng to, gió lớn để đối phó phương tiện của lực lượng truy đuổi. Thông thường các xà lan này đều thiết kế có họng xả đáy, do đó khi lực lượng chức năng truy đuổi, chúng thường chạy ra vùng biển xa bờ để lợi dụng điều kiện sóng, gió, vừa chạy vừa xả cát khai thác qua van xả đáy để phi tang, gây khó khăn cho việc bắt giữ và xử lý.

Trước tình trạng này, UBND TP HCM đã chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2019, Công an TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp hành vi khai thác cát trái phép tại các điểm nóng.

Tập trung kiểm tra tại sông Sài Gòn (vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương), sông Đồng Nai (vùng giáp ranh với tỉnh Đồng Nai) và vùng biển Cần Giờ (vùng giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tiền Giang).  

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Thời tiết ngày 28/3: Từ đêm nay miền Bắc chuyển rét

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ đêm 28/3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ C.

Kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo

Kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo
(PLVN) -Ngày 25/3, lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết vừa gửi đi thông báo kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác Côn Đảo tại huyện Côn Đảo – một dự án mang tính cấp thiết trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho khu vực đảo tiền tiêu của tỉnh.

Nhiều hồ thủy lợi ở Kon Tum khô cạn

 Một hồ thủy lợi chỉ còn vài vũng nước nhỏ tại Kon Tum. (Ảnh: Trọng Triển)
(PLVN) - Nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện đã trong tình trạng báo động vì cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và cuộc sống người dân địa phương.

Mang Yang (Gia Lai): Xe chở nông sản gây ô nhiễm

Tình trạng khói bụi, ô nhiễm từ trạm cân nông sản đặt cạnh Trường Mẫu giáo Đê Ar. (Ảnh: Nguyễn Luật)
(PLVN) - Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây trên địa bàn xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai thường xuyên xảy ra tình trạng thu mua, vận chuyển nông sản gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường sá. Đặc biệt, nhiều phụ huynh của học sinh tại Trường Mẫu giáo Đê Ar bức xúc khi trạm cân nông sản đặt gần trường dẫn tới ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn.

Cháy lớn tại Bắc Kạn, đe doạ hàng nghìn m2 rừng

Vụ cháy xảy ra tại thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
(PLVN) - Một vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, thiêu rụi nhiều diện tích rừng trồng của người dân địa phương. Đến cuối giờ chiều nay, ngọn lửa vẫn chưa được khống chế.