Nhân danh “phần âm” ra giá tiền giải vong
Nguyễn Thanh Bình (SN 1959) sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Trình độ học vấn lớp 5/10 nên thời trẻ Bình chủ yếu làm nông nghiệp tại quê nhà.
Đến những năm cuối thập niên 90, nhiều người biết đến Bình với nghề thầy bói. Khá nhiều người trong và ngoài tỉnh đã tìm đến nhờ Bình xem bói công danh sự nghiệp, xem đất, xem nhà, xem phần âm… Nhưng xem bói chỉ là cách Bình che mắt mọi người để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong vòng chục năm, Bình liên tục vào tù ra tội vì hành vi lừa đảo.
Cụ thể, năm 1998, với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, Bình bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 5 năm tù. Ra tù mới được một thời gian ngắn thì Bình tiếp tục lĩnh 9 tháng tù về tội “Đánh bạc”. Năm 2013, người đàn ông này bị tòa tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thi hành xong bản án vào tháng 7/2017.
Mặc dù ra tù vào tội như cơm bữa nhưng với tài ăn nói, “khả năng” xem bói, cúng giải hạn, nhiều người vẫn tin tưởng vào “năng lực siêu nhiên” của “thầy Bình”. Bởi vậy, xen kẽ thời gian giữa những lần vào tù, Bình vẫn ung dung hành nghề và chiếm đoạt tiền từ những người mê tín. Theo đó, thủ đoạn lừa đảo của Bình như sau: Khi có người đến nhờ xem bói, Bình sẽ “bắn tin” việc gia chủ đang bị vong theo, cần phải giải hạn. Có khi, Bình phán dưới nhà hoặc ngoài vườn gia chủ có kho báu cổ trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Thầy bói lừa đảo lĩnh 16 năm tù |
Tuy nhiên, do đang bị yểm bùa nên cần phải giải hạn mới được khai quật, nếu không gia đình làm ăn bại lụy, hoặc người trong nhà sẽ chết oan. Nắm bắt được tâm lý lo sợ của những người đến xem bói, Bình một mặt “giúp” cúng giải hạn tại nhà, mặt khác sẽ thực hiện từng bước trong kế hoạch lừa đảo vạch sẵn từ trước.
Cụ thể, khi được mời đến nhà cúng giải hạn kết hợp với xem gia sự, Bình lừa chủ nhà trong vườn có mộ cổ hoặc kho báu số lượng lớn. Tuy nhiên, số báu vật này đã bị “yểm”, muốn lấy được thì phải giải yểm. Trong lúc làm lễ cúng, Bình sai chủ nhà làm việc gì đó để nhanh tay vùi xuống đất một số bức tượng, mâm vàng hoặc đồ cổ đã mua sẵn ngoài chợ.
Sau đó, người đàn ông này “vô tình” khiến gia chủ nhìn thấy một phần “kho báu” rồi phán “phải cúng giải yểm” nếu không gia đình sẽ gặp họa. Thậm chí, để các nạn nhân tin tưởng được “phần âm” chỉ lối, Bình cho họ chọn một tờ giấy trắng, đặt dưới lư hương. Lợi dụng lúc gia chủ không để ý, Bình đánh tráo tờ giấy trắng đó bằng tờ giấy “mạo danh” người âm ghi thông tin về kho báu cũng như cách để lấy được số vàng bạc, châu báu đó. Tất nhiên, nội dung trong các tờ giấy đó đều hướng tới việc nhờ “thầy Bình” giải yểm với số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Vừa hám kho báu, vừa sợ tai họa, các nạn nhân răm rắp đưa tiền để Bình đi giải yểm. Sau khi nhận được tiền, Bình nướng hết vào trò đỏ đen. Còn các nạn nhân sau khi “dâng” cho thầy cúng này một số tiền lớn nhưng không thấy Bình làm lễ giải yểm, liên lạc qua điện thoại cũng không được nên tự đào kho báu lên. Đến lúc này họ mới tá hỏa khi các bức tượng, mâm vàng, đĩa bạc… trong “kho báu” trên chỉ là đồ nhựa được sơn màu vàng.
Cơ quan điều tra làm rõ, với thủ đoạn này, trong quãng thời gian từ năm 2003 đến 2019, Nguyễn Thanh Bình đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 người với số tiền lên tới gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, người phụ nữ ở TP Vinh bị mất nhiều nhất với gần 600 triệu đồng. Ngày 29/5/2019, Nguyễn Thanh Bình bị công an bắt giữ đề điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bài học cho những người mê tín
Phiên tòa xét xử Nguyễn Thanh Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra mới đây thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, đây là lần thứ 3 Bình hầu tòa về hành vi lừa đảo. Ở lần hầu tòa vào năm 2013, Bình cũng lừa đảo, chiếm đoạt của một cặp vợ chồng ở TP Vinh gần 500 triệu đồng. Lần đó, Bình cũng “soạn bổn cũ” bằng việc phán dưới nhà có kho báu giá trị, nhưng đã bị yểm vong bằng việc chôn sống một người phụ nữ.
Nếu gia đình muốn yên ổn, vợ chồng muốn có con thì phải giải vong, chi phí làm lễ 1 tỷ đồng. Mê tín nên cặp vợ chồng hiếm muộn này đã đưa cho Bình gần 500 triệu đồng trước khi phát hiện ra chân tướng lừa đảo của thầy bói. Quay lại với vụ án này, Bình cũng dùng chiêu thức như trên. Những bị hại đến tham dự tòa vẫn tin “thầy Bình” có năng lực siêu nhiên nên họ mới bị lừa như vậy. Một bị hại ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) cho biết: do quá trình xem bói, Bình xem rất đúng về các vấn đề trong gia đình khiến họ hoàn toàn tin tưởng.
Do vậy, khi nghe những thông tin về kho báu, giải yểm, họ càng lo lắng hơn nên sẵn sàng đưa tiền nhờ Bình làm lễ. Quá trình thực hiện mọi thao tác của Bình đều hoàn hảo đến mức có người phải nổi da gà khi thấy dòng chữ hiện lên từ tờ giấy trắng.
Dù cơ quan chức năng đã vạch trần chiêu thức lừa đảo của Bình, nhưng ngày hầu tòa nhiều bị hại vẫn tin vào năng lực siêu nhiên của thầy bói rởm này. Một bị hại khác thì cho rằng, vì Bình sống với bà con lối xóm tốt nên không nghĩ là kẻ lừa đảo. Theo người này, Bình được xem là nhà hảo tâm tại địa phương khi thường xuyên làm công tác từ thiện, giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, sau khi sự việc bị vỡ lở, nhiều người mới nhận ra chân tướng con người thật của Bình. Tham dự phiên tòa, các bị hại đều mong muốn nhận lại số tiền bị cáo đã chiếm đoạt. Dáng người khắc khổ, một bị hại ấm ức: Vì tin tưởng nên chị đã vay mượn đưa cho Bình hơn 100 triệu đồng. Đó là khoản tiền chị vay mượn khắp nơi. Sau khi sự việc xảy ra, chị phải nai lưng làm việc để trả nợ. Tuy nhiên, công việc đồng áng khiến khoản nợ lớn đó như gáng nặng đè lên người mà chị chưa thể gõ bỏ được.
Trước bục khai báo, bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bình khai, vì nợ nần lô đề, đánh bạc nên đã nghĩ ra chiêu trò trên để lừa đảo người dân. Đối tượng mà bị cáo nhắm tới là những người mê tín, thường đi xem bói toán. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến người dân. Bị cáo từng ngồi tù về tội danh trên nhưng vẫn tái phạm thể hiện sự coi thường pháp luật nên phải có hình phạt nghiêm khắc thể hiện tính răn đe và phòng ngừa chung.
Trong vụ án này, bị cáo phạm tội nhiều lần nên được coi là tình tiết tăng nặng. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Bình 16 năm tù. Về phần dân sự, buộc bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.