Việc thông tin cá nhân bị lộ và bị biến thành hàng hóa đang gây nhức nhối bức xúc trong dư luận. Song việc phát hiện, xử lý dường như không hề tỷ lệ thuận với số vụ vi phạm.
Chế tài cụ thể…
Với hành vi mua, bán số điện thoại, thông tin cá nhân khách hàng, luật pháp đã có những qui định chặt chẽ. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP, thì hành vi mua bán, trao đổi thông tin khách hàng trái phép đã vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Thông thường khi tham gia vào bất kỳ giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào, khách hàng và cá nhân, tổ chức kinh doanh đều phải cung cấp những thông tin về bản thân mình, về hàng hóa, dịch vụ được mua bán, trao đổi nhằm xác lập một quan hệ giữa hai bên. Và họ đều không nghĩ đến việc những thông tin cá nhân của mình có thể biến thành một thứ “hàng hóa” được mua bán, trao đổi với giá trị không hề nhỏ, cho đến khi bị làm phiền liên tục.
Để bảo vệ những thông tin được cung cấp rất “vô tư” đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 6, nêu rõ: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…
Tuy qui định rõ như vậy nhưng người tiêu dùng thường rơi vào thế thụ động, và các cá nhân, tổ chức kinh doanh không hề thông báo, chỉ rõ cho người tiêu dùng biết việc thông tin cá nhân của họ sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Thực tế, đã có nhiều phản ánh các trung tâm mua bán sau mỗi đợt bốc thăm trúng thưởng thường tuồn luôn các phiếu bốc thăm đó cho bên cần mua thông tin. Và khi thông tin của họ bị tuồn đi cho bên thứ ba thì cũng khó có bằng chứng chứng minh.
Tại “cửa ngõ” là các nhà mạng, các bưu cục, nếu hành vi rao bán thông tin cá nhân, số điện thoại xảy ra sẽ bị điều chỉnh bởi Nghị định số 83/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông: Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.
Người vi phạm còn bị buộc thu hồi lợi nhuận do vi phạm mà có. Ngoài ra, pháp luật hình sự cũng “sờ gáy” hành vi mua bán bán thông tin cá nhân - tại Khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”.
… vẫn khó xử lý
Dù vậy, nhiều người cho rằng, việc xử lý trên thực tế rất khó vì người vi phạm sẽ dễ chối bay khi cho rằng, số điện thoại có thể có được từ nhiều nguồn chứ không phải do mua bán… “Không ai cất công đi chứng minh số điện thoại của tôi đã bị mua bán như thế nào và cũng rất khó chứng minh”, một luật sư nói.
Trong khi đó, hành vi gọi điện quảng cáo bán hàng làm phiền người khác người lại chưa hề được pháp luật can thiệp điều chỉnh. Bất luận chủ thuê bao không cần biết bên mời mua hàng có được số điện thoại từ nguồn nào nhưng họ chưa bao giờ đồng ý cho bên bán hàng, dịch vụ biết, họ cũng không có nhu cầu nghe, càng không muốn bị quấy rầy thì rõ ràng quyền lợi của họ đang bị xâm phạm.
Luật sư Ngọc Hà, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, thông thường xử lý hành vi phạm thường xem xét tới hậu quả xảy ra, nhưng trong trường hợp này, có thể chỉ bán hàng, không bôi xấu, làm mất danh dự, uy tín nhưng thực tế là cũng gây hậu quả làm phiền hà cho người nghe, thì luật cần có sự điều chỉnh.
Đồng ý quan điểm trên, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc công ty luật Hòa Lợi cho rằng, số điện thoại là của riêng tôi, tôi muốn cho ai đó là quyền của tôi, việc không cho một ai đó số điện thoại cũng có thể là để giảm phiền toái, nhưng trong trường hợp này rõ ràng các hãng bán hàng đã vi phạm quyền định đoạt đó của cá nhân, lại còn gọi điện gây phiền hà thì rõ ràng là vi phạm.
“Pháp luật của mình chưa có qui định cụ thể, chặt chẽ chỗ này. Số điện thoại có phải là bí mật đời tư không, còn nhiều ý kiến. Tôi nghĩ, đây là một vấn đề mà xã hội đang quan tâm, báo chí cần lên tiếng để các nhà làm luật phải quan tâm, sửa luật hay bổ sung cho hoàn thiện để đảm bảo trật tự xã hội”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bán thông tin cá nhân... thu lời gần nửa tỉ đồng Ngày 5/1/2012 Cục An ninh thông tin truyền thông (A87 – Bộ công an) công bố thông tin việc phát hiện một số người mua bán trái phép thông tin cá nhân trên mạng internet. Theo đó, tháng 1/2011, A87 phát hiện hoạt động mua bán thông tin cá nhân trên hai website danhsachkhachhang.com và duonghongle.com.
|
Dương Hồng Lễ (trái) đang nhận tiền một đối tác để bán dữ liệu |
Sau đó, A87 gọi hỏi, đấu tranh với Dương Hồng Lễ (ngụ quận Tân Phú, chủ 2 website trên). Lễ cho biết danh sách khách hàng đăng tải trên website được mua từ Hứa Văn Tuấn (ngụ quận 8) và Lê Minh Trung (ngụ quận Bình Thạnh), với giá 20 triệu đồng. Tuấn cũng khai nhận, sau khi ra trường năm 2008, Tuấn làm cho công ty Chứng khoán Phú Gia và thời gian làm ở đây Tuấn đã thu thập được danh sách 600 khách hàng gửi mua bán bất động sản. Thời gian sau,Tuấn đã thu thập được hơn 100 danh sách như: Danh sách giám đốc tại tỉnh Bình Dương, 30.000 thuê bao Mobiphone trả sau tại TP.HCM, 65.000 thuê bao Vietel trả sau tại Hà Nội và những danh sách này được Tuấn rao bán trên mạng. Còn Trung khai nhận, do thấy việc mua bán thông tin thuận lợi và có nhiều khách hàng mua nên Trung đã thu thập, đăng tải các danh sách khách hàng để bán. Sau đó, Trung còn mua thêm danh sách khách hàng từ nhiều website khác và phân loại cá nhân, doanh nghiệp rồi bán cho những người có nhu cầu mua. Các đối tượng thừa nhận, đã sử dụng trái phép thông tin cá nhân, tổ chức để hoạt động kinh doanh, thu lợi bất chính với số tiền gần 300 triệu đồng nhưng xét hành vi vi phạm lần đầu, các đối tượng chưa am hiểu pháp luật nên A87 chuyển hồ sơ đến Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM xử lý và đề nghị xử phạt hành chính với số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng. |
P.V.