Theo Tướng Cầu, tất cả 9 người nói trên đều bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp. Đến chiều 4/11, Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh giữ người đối với 6 người. Còn lại 3 người, cơ quan công an đang tích cực làm rõ. Tất cả 9 người này đều là người Nghệ An.
Giám đốc Công an Nghệ An cho hay, đến nay, cơ quan công an tỉnh đã khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can bởi đang tập trung điều tra làm rõ các hành vi vi phạm của từng đối tượng.
“Khi có đủ căn cứ và họ khai nhận hành vi phạm tội sẽ tiến hành khởi tố bị can”, Tướng Cầu cho hay.
Theo ông Cầu, theo quy định của pháp luật, việc xem xét khởi tố một bị can bình thường dài nhất là 9 ngày, càng sớm càng tốt.
“Sắp tới, công an Nghệ An, đặc biệt, cơ quan an ninh điều tra sẽ tập trung làm rõ vụ việc một cách có căn cứ, đúng pháp luật, không chạy theo sức ép. Làm gì cũng phải đúng luật, nếu không sau này hậu quả sẽ không lường được. Viện kiểm sát sẽ giám sát chặt chẽ vụ việc chứ không vì nôn nóng sự kiện mà muốn bắt ai thì bắt”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Tướng Cầu cũng xác nhận có thông tin trong 8 người bị bắt giữ trước đó có một cặp vợ chồng, trong đó chồng ở Nga, vợ ở Nghệ An. Hai người này bị nghi đã đưa người sang Nga rồi sang nước thứ 3.
“Hiện chúng tôi chưa thể công bố danh tính nhưng có chuyện đó. Có 2 trường hợp chứ không phải 1. Một trường hợp trước đây ở nước ngoài tổ chức đưa người ở Nghệ An ra nước ngoài và bên nước ngoài xuất về chúng tôi bắt. Vụ gần đây có trường hợp tương tự. Trường hợp đó là đưa người sang Nga, rồi từ đó sang Đức, đi nước tiếp theo. Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ”, ông Cầu nói thêm.
Vẫn theo Giám đốc Công an Nghệ An, trong số những người đã bị tạm giữ khẩn cấp, có những người cơ quan công an đã làm rõ đưa những ai đi trong danh sách 21 người ở Nghệ An bị nghi mất tích.
Vì vụ án đang được mở rộng điều tra nên Tướng Cầu chưa thể trả lời chính thức về việc sẽ có bao nhiêu nghi phạm có liên quan. Tuy nhiên, ông khẳng định vụ án phải được mở rộng đến mức độ tối đa nếu còn có người khác thực hiện hành vi phạm tội.
“Ở đây có nghĩa là quan điểm của pháp luật là không một tội phạm nào không bị phát hiện ra. Ai đã thực hiện tội phạm phải truy đến cùng để xử lý triệt để. Chúng ta cũng biết nhu cầu đưa người đi xuất khẩu lao động là tương đối lớn và chúng ta mở rộng đến đâu sẽ xử lý đến đó”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin.
Ông Cầu cũng khẳng định những người ở Nghệ An nghi gặp nạn ở Anh xuất cảnh qua sân bay Nội Bài, “có ngày, giờ cụ thể” và bắt đầu từ đó đi bằng những giấy tờ hợp pháp.
“Còn họ đến nước nào để đi thì phải phối hợp nhiều cơ quan mới trả lời được. Nhưng rõ ràng họ phải đi từ Nội Bài qua nước thứ 2, 3, 4 mới tới đích là nước Anh được”, ông nói.
Tướng Cầu cũng cho hay, tất cả những ở Nghệ An nghi gặp nạn đều đi từ Nội Bài, chưa thấy có người nào đi qua Lào, Campuchia.
Về câu hỏi phía Anh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vân tay cho phía Việt Nam, cơ quan chức năng có thể dựa trên hồ sơ vân tay để đối chiếu 21 trường hợp là người Nghệ An hay không?, Tướng Cầu cho rằng, việc này rất khó bởi theo quy định của pháp luật Anh, cơ quan cảnh sát làm xong phải đưa lên để tòa án xác nhận, ký thì mới được công khai.
“Hồ sơ vân tay hồ sơ người nghi là nạn nhân sang Anh ngoài vân tay còn có nhận dạng qua ảnh, xét nghiệm ADN. Tất cả những việc làm đó sẽ tích hợp, gộp lại để xem có đúng người không nên cần có thêm thời gian nữa”, ông Cầu cho biết.