Thai nghén từ hoạt động vui chơi tự phát
Liên hoan diễn ra tại thành phố Tuyên Quang từ ngày 20-23/9. Vào buổi tối các ngả đường như nêm kín với hàng đoàn dài các mô hình đèn Trung thu khổng lồ nối đuôi nhau trong tiếng nhạc vui. Tuyên Quang đã thực vào hội, cả thành phố như một “vườn cổ tích” lung linh sắc màu.
Hàng năm cứ vào dịp rằm tháng 8 âm lịch, du khách thập phương lại nườm nượp đổ về Tuyên Quang để trải nghiệm không khí lễ hội Trung thu lớn nhất Việt Nam. Ông Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang cho biết, Lễ hội Thành Tuyên được “thai nghén” từ năm 2004, khi những tổ dân phố tự phát làm mô hình đèn Trung thu hình thù các con giống cỡ lớn. Việc các tổ dân phố kéo mô hình đi trên đường phố khiến người dân tò mò, thích thú. Tổ này làm được, rồi tổ khác cũng làm, tự dưng trở thành một phong trào tự giác, có thi đấu.
Tiếng vang phong trào vui tết Trung thu của các tổ dân phố đến tai cấp chính quyền. Và nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng của người dân, UBND thị xã Tuyên Quang ngày ấy, nay là thành phố Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội quy mô, trong đó có thi mô hình xem đội nào đẹp hơn. Không ngờ tiếng vang của Lễ hội Thành Tuyên ngày càng bay xa, trở thành một lễ hội đường phố độc đáo vượt qua khuôn khổ của một lễ hội Trung thu truyền thống.
Mô hình đèn lồng tham gia biểu diễn. |
Người dân càng tự hào hơn khi Lễ hội được sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi danh là lễ hội có mâm cỗ Trung thu, đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam. Sức lôi cuốn của Lễ hội Thành Tuyên cứ hừng hực, lan tỏa khiến UBND tỉnh quyết định nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh vào năm 2014.
Bà Khương Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phấn khởi chia sẻ: Năm 2017 tổ 4 giành giải nhất với mô hình “Chim Phượng Hoàng”. Năm nay cả tổ bàn bạc thống nhất làm mô hình “Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận”, ai cũng ủng hộ đóng góp. Nhờ vậy mà công việc huy động nguồn lực bằng việc xã hội hóa diễn ra thuận lợi, ai cũng tích cực đóng góp sức người, sức của. Bà Tươi chia sẻ, để nâng tầm lễ hội theo đúng tinh thần của Ban tổ chức, tổ 4 đã tập trung trí tuệ để thiết kế ra mô hình có tính nghệ thuật cao nhất, cống hiến sự mãn nhãn cho người xem.
Mỗi năm một chủ đề mới
Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết, mỗi năm Lễ hội Thành Tuyên được gắn với chủ đề mới. Ví dụ năm 2015 gắn với “Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V năm 2015”. Mùa lễ hội năm 2016 gắn với Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 8.
Đến năm 2017 lễ hội gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và năm nay, chủ đề của lễ hội gắn với Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn Nhã nhạc Cung đình; Cồng chiêng Tây Nguyên; Đờn ca tài tử; Dân ca Ví, Giặm; Khèn Mông....
Lãnh đạo ngành văn hóa Tuyên Quang cho rằng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học giữa tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến Lễ hội thêm phần sôi động, tăng tính quảng bá các loại hình văn hóa ra công chúng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ngoài ra, gian hàng của các địa phương cũng có cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh.
Thực tế phải ghi nhận đó là từ khi tổ chức Lễ hội Thành Tuyên đến nay, diện mạo du lịch của Tuyên Quang đã có những thay đổi rõ rệt. Điều này thể hiện qua những con số thống kê, năm 2010 tổng lượng khách du lịch đến Tuyên Quang là 530 nghìn lượt người, đến năm 2017 là trên 1,4 triệu lượt du khách. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có 129 cơ sở lưu trú du lịch thì năm 2017 lên đến hơn 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó có 130 khách sạn.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 13.000 lao động tham gia trong các hoạt động, dịch vụ du lịch. Điều này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển nhanh, bền vững. Sự ra đời của nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh đã phần nào thay đổi bộ mặt du lịch của Tuyên Quang.
Để phát triển ngành du lịch thời gian tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI của tỉnh Tuyên Quang xác định, tập trung đột phá phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, với tinh thần các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp đều vào cuộc làm du lịch. Phía chính quyền tỉnh sẽ ban hành nhiều cơ chế chính sách đầu tư cởi mở. Tuyên Quang cũng xác định nhiệm vụ xây dựng Lễ hội Thành Tuyên Quang mang tầm khu vực quốc tế, tạo cú huých cho du lịch tỉnh nhà.
Du khách đổ ngày càng đông
Dạo bước trên đường phố Tuyên Quang những ngày này dễ dàng bắt gặp những du khách trong nước hay nước ngoài và cả những người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ai đó cũng tỏ ra phấn chấn khi được hòa mình vào một lễ hội đường phố có tầm ảnh hưởng và quy mô quốc gia. Chúng tôi gặp 3 du khách người Nam Phi đang thưởng thức cà phê tối trên đường Bình Thuận.
Vừa nhâm nhi cà phê, các du khách vừa quay video bằng điện thoại cầm tay. Họ chia sẻ đi tour du lịch phố cổ Hà Nội, khi biết Tuyên Quang có lễ hội Trung thu độc đáo nên tò mò muốn trải nghiệm và thật sự khá bất ngờ với một lễ hội hoành tráng, sôi động, đẹp lung linh.
Làm sao để những du khách như 3 người Nam Phi kia sẽ quay lại Tuyên Quang, hoặc chí ít họ sẽ giới thiệu lễ hội tới bạn bè? Đó là câu hỏi những người làm du lịch nơi đây đang quyết tâm trả lời. Được biết những khách sạn, nhà hàng, hãng taxi của Tuyên Quang đã cam kết sẽ là những “đại sứ” du lịch. Nhiều khách sạn lớn ở Tuyên Quang cũng cam kết phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất và không tăng giá dịch vụ. Dường như ai ai cũng nhận thức được rằng làm du lịch từ ý thức của người dân mới bền vững.
Không gian của Liên hoan và Lễ hội đã được lan rộng khắp phố. Mọi ngả đường đều đông vui nhộn nhịp. Đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện của người dân và du khách. Xe máy, xe ô tô con biển số các tỉnh lân cận như Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ đi từng đoàn trên đường phố cho thấy sức hút của Lễ hội Thành Tuyên quả là lớn.
Ông Nguyễn Văn Lâm ở Đoan Hùng (Phú Thọ) tự lái xe đưa cả nhà dự lễ Thành Tuyên phấn khởi chia sẻ đã đi chơi mấy hôm rồi mà chưa thấy chán nên quyết định ở thêm vài ngày nữa, mọi công việc ở nhà tạm gác lại. Theo đánh giá của nhiều du khách, lễ hội kéo dài cả nửa tháng nên có sức lan tỏa rộng rãi. Và đến thời điểm này, dòng người vẫn đang đổ về Tuyên Quang ngày một đông.
Khoảng hơn 10 năm nay, Lễ hội Trung thu tại Tuyên Quang trở nên nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo trong lễ hội. Độc đáo nhất là những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân ở đây có kích thước “siêu khủng” và hình thức “siêu đẹp”.
Khác hoàn toàn với những đèn lồng, đèn ông sao, ông sư truyền thống, cũng hoàn toàn không có nét gì giống những đèn lồng của Trung Quốc, đèn trung thu mang thương hiệu Tuyên Quang là một sản phẩm văn hóa độc đáo, sáng tạo, đậm chất dân gian và giàu tính nghệ thuật của người dân nơi đây.
Mô hình đèn lồng Tuyên Quang được xây dựng theo ý tưởng về hoạt động xung quanh lễ hội cổ truyền trông trăng rằm, phá cỗ diễn ra trong tháng 8 âm lịch của dân tộc Việt Nam. Đèn lồng có nhiều hình dáng, màu sắc thể hiện sinh động các nhân vật, biểu tượng trong các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian hoặc từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất...
Đặc biệt, khi internet, công nghệ, mạng xã hội phát triển, những người thợ làm đèn lồng Tuyên Quang đã “nhạy bén” với thị hiếu và sự phát triển của vật liệu, máy móc, công nghệ để cho ra đời nhiều nhiều mô hình hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Mỗi chiếc đèn lồng của Tuyên Quang có kích cỡ “khổng lồ” to hơn cả chiếc xe buýt. Đèn được làm bằng khung sắt nên cái to có thể nặng đến cả tạ, những cái vừa cũng khoảng 60 - 70 kg.