Theo AFP, Bộ giáo dục Nhật Bản đã yêu cầu tất cả 81 trường y bao gồm cả trường tư thục và trường công kiểm tra thủ tục nhập học của họ nhằm phát hiện các trường hợp phân biệt đối xử đối với thí sinh nữ có thể xảy ra.
Giới chức Nhật cho biết họ cũng sẽ kiểm tra về tỉ lệ giới tính đối với các hồ sơ nhập học thành công trong vòng 6 tháng qua.
Đây sẽ là cuộc điều tra đầu tiên trên phạm vi cả nước được tiến hành tại Nhật Bản. “Nếu báo cáo của các trường không hợp lý, chúng tôi sẽ kiểm tra thêm và có thể đến tận trường để kiểm tra”, một quan chức tại Bộ giáo dục Nhật Bản cho hay.
Vẫn theo vị này, kết quả của cuộc điều tra sẽ được công bố sớm nhất là trong tháng tới.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi một trường đại học y khoa ở Tokyo thừa nhận thường xuyên sửa điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ để loại bỏ nữ giới. Theo trường này, việc sửa điểm được tiến hành từ năm 2006 cho đến nay và nhằm mục đích giữ tỉ lệ nữ sinh ở trường y ở mức dưới 30%.
Vụ bê bối đã gây phẫn nộ trên khắp Nhật Bản. “Đây là vụ việc vô cùng đáng tiếc”, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói và thúc giục các trường y trên cả nước hợp tác trong cuộc điều tra.
Vụ bê bối bị phát giác khi các điều tra viên của Nhật Bản tiến hành điều tra cáo buộc trường y nói trên đã sửa điểm của con trai của một quan chức cấp vụ ở Bộ giáo dục nhằm giúp cậu ta đỗ vào trường.
Theo truyền thông Nhật Bản, trong quá trình điều tra, các điều tra viên đã phát hiện một số trường hợp đã được nâng điểm, cho thấy có thể đã có sự ưu ái trong quá trình chấm thi đầu vào của trường.
Tuy nhiên, cũng từ đây, việc hạ điểm của thí sinh nữ đã bị phát giác. Các nguồn tin được truyền thông Nhật Bản dẫn lời cho rằng việc phân biệt đối xử như vậy là do nhiều người có quan điểm cho rằng phụ nữ sẽ trở thành những bác sỹ không đáng tin cậy sau khi tốt nghiệp vì họ thường bỏ nghề sau khi kết hôn.
“Phụ nữ không bao giờ nên bị đối xử không công bằng”, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Yoko Kamikawa được truyền thông dẫn lời nêu quan điểm về vụ việc.