Chúng ta có quyền tự hào và tự tin gửi “thông điệp”. Trong thắng lợi toàn diện năm 2018 có “điểm nhấn” về chuỗi liên kết toàn cầu: Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 244 tỷ USD trong năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 48 tỷ USD, tăng hơn gấp hai lần so với 5 năm trước. Nhiều tập đoàn sản xuất lớn đã có nhà máy ở Việt Nam, trong đó lớn nhất là hãng Samsung của Hàn Quốc - doanh nghiệp chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
Việt Nam xếp vị trí thứ nhất trong số 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á được coi là điểm đến cho các doanh nghiệp sản xuất. Đây là một xếp hạng của Natixis SA, dựa trên các yếu tố như dân số, tiền lương, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh và hậu cần và tỷ trọng của ngành sản xuất trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và đây là lần đầu tiên, Việt Nam có tên trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng.
Rạng sáng hôm qua (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc đối thoại với lãnh đạo gần 40 tập đoàn toàn cầu với nhiều thương hiệu trong top 500 doanh nghiệp toàn cầu và là những đối tác tin cậy của Việt Nam.
Chủ đề của cuộc đối thoại là “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp với WEF tổ chức sự kiện Đối thoại Kinh tế Việt Nam bên lề Hội nghị WEF Davos với sự tham dự của nhiều tập đoàn hàng đầu để quảng bá, truyền tải thông điệp về kinh tế Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân. Đó là khía cạnh bền vững của nền kinh tế, một yếu tố của nền kinh tế số.
Với một Chính phủ “kiến tạo” đang hành động “đột phá” nhằm tạo ra “hiệu quả”, thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Davos là thông điệp của hy vọng. Không phải tự nhiên, có ý kiến tại hội thảo tìm hiểu về thái độ của Việt Nam đối với mô hình kinh doanh như Grab.
Rõ ràng, những mô hình kinh doanh công nghệ mới non trẻ như Grab buộc phải thay đổi “tư duy quản trị” tương thích khi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang được “kiến tạo” môi trường ở Việt Nam.