Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, yêu cầu đề ra. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua 5 văn kiện quan trọng. Các cuộc thảo luận tại 67 đoàn đã có gần 788 lượt ý kiến phát biểu. Tại các phiên thảo luận tại hội trường, có 36 tham luận của các đại biểu thay mặt cho các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, về nhiều chủ đề, lĩnh vực, phân tích, đánh giá, đóng góp cho dự thảo các văn kiện Đại hội.
Đồng chí Hoàng Bình Quân nêu rõ, điểm nhấn quan trọng trong các văn kiện Đại hội XIII là xác định tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đại hội không chỉ hoạch định đường lối phát triển đến năm 2025 mà còn hoạch định tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Đại hội xác định 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, cụ thể hóa ở hệ thống 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và bổ sung nội hàm của 3 đột phá chiến lược cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Về chủ trương, chính sách đối ngoại, đồng chí Hoàng Bình Quân cho biết, Đại hội XIII khẳng định chủ trương: Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Đại hội XIII xác định, trong nhiệm kỳ sẽ triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đó là, kết hợp chặt chẽ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Cùng với đó, đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng, cấp địa phương, doanh nghiệp, tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại, nhất là các FTA đã ký kết. Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt hiệu quả, tích cực triển khai các cam kết quốc tế. Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Bên cạnh đó, chủ động đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp vào quảng bá hình ảnh đất nước.
Đáng chú ý, Đại hội XIII đã nhận được 368 thư, điện, chúc mừng từ 167 chính đảng, 18 đảng bộ, cơ quan của các Đảng, các nước; 6 tổ chức khu vực và quốc tế; 130 tổ chức chính trị, xã hội, hữu nghị nhân dân; 26 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và 21 cá nhân từ 93 quốc gia các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, số lượng thư, điện mừng nhiều nhất từ trước tới nay thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và tình cảm với Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.