Nó cũng khiến cho hai bên không thể tổ chức được chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm này được gắn cùng kỳ vọng về mở ra thời kỳ quan hệ mới giữa hai nước. Để bù đắp lại cho việc chưa thể gây dựng nên bước khai thông đột phá mới ấy, hai bên đã tận dụng chuyến thăm Nhật Bản vừa rồi của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để tạo bầu không khí chính trị thuận lợi và duy trì thiện chí thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian chờ bước chuyển giai đoạn.
Những vướng mắc giữa Nhật Bản và Trung Quốc rất sâu sắc và động chạm đến lợi ích chiến lược cơ bản hiện tại cũng như lâu dài của cả hai bên cũng như không chỉ đơn thuần ở khu vực Đông Bắc Á mà còn ở khắp cả khu vực Biển Đông, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng vào dịp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm Nhật Bản nói trên, hai bên đều chủ động đề cao đồng thuận quan điểm và thể hiện thiện chí, đề cập đến những bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích nhưng chủ ý không để những bất đồng và xung khắc ấy cản trở quyết tâm gây dựng thời kỳ quan hệ hợp tác mới.
Thời thế hiện tại thôi thúc họ phải tạm gác bất hòa sang bên để cải thiện quan hệ song phương. Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất và nhờ đó có ưu thế nhiều nhất trong Hiệp định về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà họ vừa ký kết với 10 nước thành viên ASEAN, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Chỉ khi hợp tác với nhau thì họ mới có thể tận lợi được tối đa từ những lợi thế ấy.
Trung Quốc bị Mỹ dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump cạnh tranh quyết liệt và gây khó dễ chưa từng thấy trong lịch sử mối quan hệ song phương này và hiện phải chuẩn bị thế và lực trên mọi phương diện để ứng phó với chính quyền mới ở Mỹ.
Ở Nhật Bản, tân Thủ tướng Yoshihide Suga cần chuyển biến mới rõ rệt trong cả đối nội lẫn đối ngoại để gây dựng và nâng cao uy tín cá nhân, thể hiện khả năng và bản lĩnh lãnh đạo đất nước thì mới có thể củng cố được vị thế quyền lực hiện trong nước mà xử lý quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc là thử thách đầu tiên và đồng thời cũng khó khăn, lâu dài nhất. Vì thế, Nhật Bản phải vừa dựa vào Mỹ, vừa gây dựng thế cân bằng nhất định giữa Mỹ và Trung Quốc, không dùng Trung Quốc làm đối trọng được thì ít nhất cũng làm một con chủ bài chiến lược.