Hôm qua, 31/7, lần đầu tiên VCCI đã công bố Báo cáo điểm lại pháp luật kinh doanh (PLKD) 6 tháng đầu năm 2018. Đây là sáng kiến của VCCI nhằm thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Những bước đi đầu tiên…
Theo Chủ tịch VCCI, việc xây dựng hệ thống PLKD là mục tiêu quan trọng của Chính phủ kiến tạo. Dẫn nguồn một thống kê do VCCI thực hiện, Chủ tịch VCCI cho biết, mỗi năm chính quyền địa phương ban hành khoảng trên 1.000 các văn bản pháp luật, trong đó, trên 50% trong số đó là PLKD, điều này cho thấy sự quan trọng của PLKD trong hệ thống pháp luật.
“Thống kê của chúng tôi cho thấy, mỗi năm có khoảng 10-20 luật mới ra đời, khoảng 200 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng, số còn lại là văn bản của các bộ, ngành. Chỉ trong khoảng 6 tháng chính quyền TƯ có quyền đưa ra hàng chục nghìn quy định. Đây là một số lượng khủng khiếp và nó có tác động rất lớn đến DN” - TS Lộc nói và ông cho biết đây chính là lý do VCCI quyết định sẽ tiến hành rà soát PLKD 6 tháng/lần.
Nhấn mạnh trong thời gian qua Chính phủ đã thể hiện rất mạnh mẽ, quyết liệt quan điểm thể chế kinh tế thị trường, tuy nhiên việc chuyển các quan điểm này thành các quy định pháp luật cụ thể còn rất hạn chế. “Tất nhiên, mọi chính sách đều cần một độ trễ nhất định để hiện thực hóa, tất nhiên quy trình xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi những khoảng thời gian nhất định để hoàn tất các trình tự, thủ tục. Mặc dù vậy, lý do chính được cho là nằm ở sự chủ động hay không của các Bộ, ngành, những cơ quan chịu trách nhiệm chấp bút trực tiếp cho các quy định của pháp luật…” - Chủ tịch VCCI phát biểu.
Theo đánh giá của VCCI, tình trạng này đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2018 với khá nhiều các văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là các văn bản ở cấp Nghị định. Đây là những vấn đề đã được các Bộ, ngành xác định từ những năm trước, đã có kế hoạch và đưa vào dự thảo để lấy ý kiến từ năm 2017, nhưng phải đến đầu năm 2018 mới có thể ban hành. Chủ tịch VCCI nhận định, “Nói cách khác, có thể coi 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc “biến lời nói thành hành động”.
Vẫn đối phó và không thực chất
Đồng tình có sự chuyển động, song LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, “Phong trào, hô hào, thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động rất từ từ, ngắc ngứ, còn quá chậm thay đổi. Chưa nói còn có tác động phụ là tạo thêm nhiều khó khăn, xung đột mới ngoài mong muốn…”. LS dẫn chứng: Nghị định Kinh doanh khi được phát hiện quá bất cập từ lâu và trái với nguyên tắc của Luật DN, Luật Đầu tư, nhưng năm 2016, Nghị định 19 sửa đổi kiên quyết không tiếp thu. Và phải mất hơn 2 năm sau mới sửa đổi được bằng Nghị định 87. “Hàng trăm DN ra đi. Vậy thì khen Nghị định thay đổi rất tốt 1 thì phải chê sự cố thủ, chậm trễ là 10…” - LS Đức thẳng thắn.
Tương tự, Nghị định 109/2010 kinh doanh gạo, theo LS Đức, đã 8 năm “hãm hại” thị trường, cả thương nhân và nông dân, mà vẫn chưa thể thay đổi. “Thời gian sửa sai dài hơn cả tuổi thọ trung bình của DN. Do vậy, việc sửa sai phải tính bằng tháng chứ không tính bằng năm và nhiều năm như vậy…”- LS đề nghị.
Điểm lại một loạt Nghị định bãi bỏ điều kiện kinh doanh được ban hành trong thời gian gần đây, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có nhưng nghị định là bước lùi của chính sách. Ông đơn cử Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại: “Tưởng chỉ đơn giản thực hiện theo mẫu, nhưng mỗi mẫu lại quy định một loạt thủ tục DN phải thực hiện. Chẳng hạn mỗi lần khách hàng trúng thưởng một que kem, cái bánh… đều phải lập biên bản? Rõ ràng đây là bước lùi của chính sách!”- Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định.
Đồng tình có sự chuyển biến trong việc hiện thực hóa thể chế, song Chủ tịch VCCI cho rằng không có sự đồng đều giữa các Bộ, ngành và khẳng định còn có hiện tượng đối phó. “Nhìn vào con số cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực chất, một số chỉ điều chỉnh nhỏ trong khi thực tế có thể bỏ hẳn. Ví dụ phương án kinh doanh có 4 nội dung thì chỉ bỏ một nội dung. DN cho rằng cần phải bỏ tất vì quy định này can thiệp đến hoạt động kinh doanh của DN…”- TS Lộc dẫn chứng.
Ông cũng thẳng thẳn chỉ ra trở ngại, lạnh lẽo trong việc hiện thực hóa thể chế đang nằm ở các vụ, cục, các chuyên viên của các Bộ, ngành… “Không ai giám sát tốt nhất bằng chính DN, hiệp hội DN. Báo cáo này là của VCCI và các Hiệp hội DN chứ không phải của riêng VCCI…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.