Theo Dự thảo, khu vực biển nhất định là một phần của biển Việt Nam, có ranh giới cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều yếu tố bao gồm vùng trời, mặt biển, khối nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Khu vực biển liên vùng là khu vực biển có phạm vi thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển hoặc có một phần nằm ngoài vùng biển 06 hải lý.
Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển là hoạt động lấy tài nguyên hoặc sử dụng tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc xác định vùng biển 03 hải lý và 06 hải lý. Để tránh việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện về đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm để xác định đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý và vùng biển 06 hải lý, dự thảo Nghị định quy định, chỉ có đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đất liền và các đảo Cô Tô, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Nam Du, Phú Quốc mới được dùng để xác định đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý. Đây là các đảo chính (có diện tích lớn, có trụ sở của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, có cộng đồng dân cư sinh sống và có các điều kiện tương tự như trên đất liền).
Việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên không phải là hoạt động giao trực tiếp, do vậy, phải căn cứ vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân, thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên được cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời hạn khai thác, sử dụng từng loại tài nguyên phụ thuộc vào nhu cầu của tổ chức, cá nhân cũng như tiềm năng tài nguyên nên rất khác nhau, vì vậy, dự thảo Nghị định chỉ quy định thời hạn tối đa của một quyết định giao khu vực biển không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Thủy sản.
Trường hợp thời hạn giao khu vực biển nói trên đã hết, thời hạn trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên còn hiệu lực, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng biển thì được xem xét cấp mới quyết định giao khu vực biển theo quy định của Nghị định này.
Nghị định cũng quy định 9 nhóm hành vi bị cấm:
Lợi dụng việc sử dụng khu vực biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
Thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên biển khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển;
Sử dụng khu vực biển không đúng mục đích;
Hủy hoại môi trường biển;
Lấn, chiếm biển trái quy định của pháp luật;
Vi phạm quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Cản trở hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển; Cản trở hoạt động giao thông trên biển, khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển và các hoạt động hợp pháp khác trên biển theo quy định của pháp luật;
Cung cấp thông tin về khu vực biển trái quy định của pháp luật; Cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình sử dụng khu vực biển;
Thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 46 Luật Thủy sản; Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.