"Bà mẹ chồng này còn "hoành tráng" hơn cả bà mẹ chồng vừa cho con xuất viện hôm kia!". Mọi người xôn xao thán phục.
Đầu tuần, tại phòng bệnh khu nhà D, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, có đôi vợ chồng trẻ (chồng 22, vợ hơn 19).Vợ đang mang bầu tháng thứ 7 thì có dấu hiệu động thai. Vừa vào đến phòng, người chồng ngồi xuống giường bên cạnh, lấy điện thoại chơi game. Người đỡ vai cô gái trẻ, mở tủ, lấy chăn, ga, gối, trải giường, đỡ cô nằm xuống, đi lấy nước, gọt hoa quả, đổi các loại hoa quả cho hợp khẩu vị... chỉ là một tay người mẹ.
Khi người bệnh đã nằm yên vị trên giường. Anh chồng sang nằm cạnh vợ và... ngủ. Còn người mẹ, bà lo lắng, tất tả gọi điện rồi đi ra và trở lại với bác sĩ.
Mỗi câu hỏi về sức khỏe, các kỳ thăm khám, sự phát triển của thai nhi, các dấu hiệu “động đậy”, giấc ngủ, thức ăn... người bệnh không phải trả lời câu nào vì đã đều được mẹ nói ra vanh vách. Bác sĩ thấy vậy bảo: “Rành rẽ quá nhỉ, cứ như mẹ đang mang bầu chứ không phải là con”.
Cô gái trẻ ra viện được 2 ngày, mọi người chưa nguôi suýt xoa khen bà mẹ chồng trẻ kia chăm sóc con dâu hết lòng thì lại vẫn ở giường ấy, có một sản phụ nữa được đưa vào.
Lần này, đi cùng, ngoài anh chồng rất trẻ thì còn có hai bà mẹ. Cả hai bà mẹ đều chạc tuổi 45. Người trông “quê” là mẹ đẻ của sản phụ, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Người trông “hiện đại” là mẹ chồng, nhà ở Khâm Thiên.
Những lúc mẹ chồng ra ngoài thì cả phòng luôn phải ngồi nghe những “trăn trở” của mẹ đẻ. "Tôi là mẹ nó thế mà chị ấy không cho ngủ lại trong bệnh viện với con. Chị ấy giành nghiến chăm sóc thằng bé. Nó cũng là cháu ngoại của tôi đấy chứ. Chưa đến 4h sáng chị ấy đã rón rén mang cặp lồng cháo vào viện. Lúc ấy, ai cũng ngủ, con bé đâu có dậy mà ăn được chứ?”...
Trước những “kêu ca” của mẹ đẻ, sản phụ trẻ chỉ nằm cười. Sau đó, “nhiệm vụ” của mẹ đẻ vẫn là ngồi ở giường bên tán chuyện còn những việc “thân mật” như đỡ bà đẻ dậy, rì rầm trò chuyện, an ủi cơn đau, đút từng thìa cháo, rửa mặt, tết lại tóc gọn gàng cho sản phụ... vẫn là mẹ chồng.
Lý do để nàng dâu “lên ngôi”
Về hiện tượng “xoay ngược chiều” trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, có người cho rằng các nàng dâu có trình độ học vấn cao, kinh tế khá, “trình độ lý lẽ” lại ngang ngửa hoặc hơn cả mẹ chồng, “trị” được chồng... nên mẹ chồng muốn gia đình yên ấm thì phải “nịnh nọt” nàng dâu. Hoặc cũng có những gia đình không may có phải con dâu là “dâu Tây” thành ra “thân phận mẹ chồng” bị lép vế...
Còn hai người mẹ chồng trên tâm sự thì vào thời điểm “hiếm con, hiếm cháu” này, họ đều chỉ có một cậu con trai duy nhất. Khi con họ vừa vào tuổi trưởng thành, họ đã phải nghĩ ngay đến chuyện cưới vợ, mong cho con được yên bề gia thất.
Khi con trai còn giữ nguyên hình hài “cậu ấm”, con dâu thì vô lo, muốn cho con trai được yên ổn, hạnh phúc thì cần phải “chu đáo” luôn cả cho vợ nó.
Đặc biệt, vào thời điểm con dâu bụng mang dạ chửa chính là thời điểm để các bà mẹ chồng trẻ hiện đại thể hiện niềm khao khát được lên chức bà nội, là khao khát được chăm sóc cho “dòng dõi” của nhà mình. Nhờ vậy, các bà không hề “quản ngại” bất kỳ điều gì và từ đó làm nên một hình ảnh mẹ chồng hiện đại rất đẹp ở trong bệnh viện.