Không ít người cho rằng, hát ru là “lạc hậu”, “quê mùa”, “nghe sốt ruột”. Thay vào đó, họ cho các con nghe những bản nhạc hòa tấu nước ngoài, nhạc bolero không lời hay nhạc trẻ… cho hợp thời đại. Họ tin rằng, nghe những bản nhạc ấy, con mình thông mình hơn những bài hát ru “cổ lỗ”???!
Ru con ngủ với nhạc cổ điển, borelo…!
Vừa nấu cơm, chị Thu Nga (28 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) vừa ngó nhìn con trai 1 tuổi ngủ trên giường. Thằng bé lăn đi lăn lại xô cả chiếc gối nhỏ, bên cạnh là chiếc điện thoại đang phát nhạc Beethoven và Mozart. …. Thỉnh thoảng tới đoạn nhạc cao trào, thằng bé bỗng giật mình khóc thét.
Chị Thu Nga lại tất tả chạy vào dỗ dành con. Hỏi có biết hát ru con, chị Thu Nga ngập ngừng: “Hồi xưa, ở quê, bà tôi hát ru khi tôi còn 1, 2 tuổi. Nhưng bây giờ, cuộc sống bận rộn quá nên tôi chẳng có thời gian ngồi hát ru cho con. Nghe mọi người nói, cho trẻ nghe nhạc cổ điển sẽ thông minh, ngay từ khi lọt lòng, tôi đã cho con nghe rồi”.
Trong cuộc phỏng vấn nho nhỏ với 30 bà mẹ độ tuổi làm việc ở các ngành, nghề, độ tuổi 25- 35 thì có tới 26 bà mẹ không biết hát ru con. Một trong số đó là chị Hoàng Oanh (35 tuổi, Ý Yên, Nam Định). Chị cười và nói: “Bây giờ thời đại nào mà còn hát ru con. Hát ru, tôi thấy lạc hậu thế nào ý! Sốt ruốt lắm! Cả ba đứa con, tôi đều cho nó nghe nhạc trẻ, nhạc jazz… để mong nó năng động. Thời gian hát ru, mình còn làm việc khác”.
Các bà mẹ trẻ đừng lấy đi thế giới lời ru thiêng liêng của con mình. |
Có lẽ vì vậy, rất ít trẻ thời nay đặc biệt những đứa trẻ thành phố được nghe hát ru ầu ơ từ thuở ấu thơ. Chỉ số ít gia đình mướn người giúp việc có tuổi ở quê ra, họ có thể hát ru cho con mình. Chị Nguyễn Mai (40 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) phấn khởi: “Tôi đẻ liên tục 3 năm 2 đứa. Con nheo nhóc, tôi mướn bà giúp việc, 62 tuổi, quê Thái Bình. May mắn cho gia đình tôi, bà giúp việc thuộc rất nhiều bài hát ru. Các con tôi được bà ru ngủ bằng những bài hát ru ngọt ngào, chan chứa tình thương yêu”.
“Bồng bồng con nín con ơi/ Dưới sông con cá lội, ở trên trời chim bay/ Ước gì mẹ có mười tay/ Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim/ Một tay chuốt chỉ luồn kim/ Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau/ Một tay ôm ấp con đau/ Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma/ Một tay khung củi, muối dưa/ Còn tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn/ Tay nào để giữ lấy con/ Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay/ Bồng bồng con ngủ con say/ Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời”…
Theo chị Nguyễn Mai, câu hát đó ngấm vào các con chị từ lúc nào. Đến 4, 5 tuổi, cả hai đứa con chị thuộc rất nhiều bài ca dao, tục ngữ nói về tình yêu thương gia đình, làng quê, đất nước. Chúng chăm chỉ học tập và đặc biệt yêu thích môn Văn. Năm lớp 3, con chị Mai còn làm được bài thơ 4 câu có vần, có hình ảnh. “Tôi phấn khởi và thầm cám ơn bà giúp việc ấy”- Chị Mai bày tỏ sự cảm kích.
Trước lợi ích của việc hát ru, chị Nguyễn Mai đã nhờ bà giúp việc “tập huấn” hát ru cho chị và một số chị em trong chung cư nhà chị. Chị Mai hy vọng, các bà mẹ trẻ có thể hát ru cho con.
“Có thể lúc đầu, mọi người hát sẽ cảm thấy ngượng ngập, khó hát vì chưa quen làn điệu. Nhưng hát nhiều các bà mẹ sẽ quen. Vừa xoa đầu con, vừa ngắm con lại hát nho nhỏ cho con nghe. Con thiếp thiếp ngủ, chẳng phải thời khắc đó tuyệt vời lắm hay sao.
Thực sự, nếu ai đã ru con mới thấy tình cảm thiêng liêng của cha/mẹ dành cho con. Bởi khi ru, ta được ôm con vào lòng, vỗ về, nựng con. Khi con “gà gà” mới thấy cực kỳ đáng yêu. Và lúc đó mới biết những đứa trẻ không được ai ru mới thiệt thòi làm sao. Các bà mẹ trẻ đừng ngại ngần dành thời gian hát ru cho con.” Chị Mai nhắn nhủ.
Đừng đánh mất “nguồn sữa” tâm hồn
“Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Hát ru là một loại hình văn hóa phi vật thể, một kho tàng văn hóa dân gian quý giá của ông cha từ nghìn xưa để lại. Do vậy cần bảo tồn, phát triển để góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người từ lúc trẻ thơ. Hát ru là cách truyền đạt những nhận thức đầu tiên về cuộc sống cho trẻ.
Nhắc đến việc rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay cho con nghe nhạc cổ điển, thường là nhạc Beethoven và Mozart ngay từ khi còn trong bụng mẹ, cố GS-TS Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền từng bộc bạch: “Âm nhạc cổ điển tuy mang âm hưởng và tiết tấu nhẹ nhàng, tạo được cảm giác thư thái cho người nghe nhưng chỉ tốt cho trẻ em các nước phương Tây vì chúng phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc nước họ.
Còn ở Việt Nam, từ khi lọt lòng cho đến những năm tháng tuổi thơ của trẻ đều gắn liền với những câu hát ru, những câu ca dao, tục ngữ rất đời thường. Vậy nên, việc để “các con nghe nhạc cổ điển phương tây thì sẽ khôn ra” là sự nhầm lẫn đáng tiếc của nhiều phụ huynh hiện nay. Không ai có thể bác bỏ lợi ích của âm nhạc cổ điển trong phát triển trí tuệ của trẻ nhưng không vì thế mà lạm dụng nhạc Tây.
Trẻ em Việt Nam đã có riêng cả một kho tàng âm nhạc quý báu, đó là hát ru! Thế hệ của chúng tôi, nốt nhạc đầu tiên đến với mỗi người từ lúc chào đời là qua tiếng hát ru. Cùng một lúc với dòng sữa ấm nóng của mẹ, những câu thơ dân gian hay điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của chúng tôi. Đó là bài “giáo dục âm nhạc” đầu tiên giúp chúng tôi khôn lớn nên người, là tình thương yêu của mẹ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian”.
Cố GS-TS Trần Văn Khê từng phân tích, những bài hát ru của người Việt mình thường xuất phát từ những câu ca dao, tục ngữ với những hình ảnh hết sức gần gũi như: núi, sông, cánh cò, cánh vạc, đồng lúa… Vì thế, ngay từ khi lọt lòng, những câu hát ru của người mẹ đã vô tình “rót” những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương đất nước vào tiềm thức non nớt của đứa con.
Khi lớn lên, người con sẽ dần hiểu ý nghĩa của những câu hát ru, hiểu được sự tần tảo, thương yêu của người mẹ giành cho mình. Khi ấy, người con thương mẹ bao nhiêu thì thêm yêu đất nước, yêu nền âm nhạc dân tộc bấy nhiêu. Hát ru không chỉ kích thích sự sáng tạo mà còn khơi dậy những tình cảm đặc biệt, lòng vị tha và yêu thương con người nơi trẻ nhỏ.
Đó còn là sợi dây vô hình, kết nối tình mẫu tử thiêng liêng và sẽ mãi là sức mạnh kì diệu mà chỉ riêng hát ru mới có. Nghệ nhân Hồng Oanh tâm sự: “Hát ru - “quyền lực” của người mẹ. Hát ru không phải là hát hay hay dở mà quan trọng là hát bằng trái tim, bằng tất cả tình yêu thương bao la của đấng sinh thành giành cho con mình”.
Với biệt tài hát ru bằng 5 ngôn ngữ các dân tộc Thái, Cao Lan, Mông, Tày và Kinh, nghệ sĩ U70- Cao Minh Hiền luôn mong muốn có thể góp phần giữ gìn, phát huy cái hay cái đẹp trong từng điệu hát ru của mỗi dân tộc.
Suốt bao năm, nghệ sĩ Cao Minh Hiền một mình đi đến các dân tộc khác nhau ở vùng Tây Bắc để tìm hiểu và tìm cách thu lại những điệu hát ru nơi đây. Nghệ sĩ tâm sự: “Tôi cảm nhận rõ hơn về cuộc sống, về con người qua chính lời ru của mẹ nên tôi dành tình yêu của mình với hát ru ngay từ khi còn rất bé”.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những lúc gặp phải khó khăn của cuộc sống, phải tha hương cầu thực ở nhiều nơi, loay hoay với nỗi lo về cơm áo gạo tiền... người nghệ sĩ “thất thập cổ la hy” vẫn giữ cho mình những ký ức đẹp đẽ về hát ru. “Lúc nào cũng vậy, tôi cảm nhận rõ là tiếng hát ru cứ đầy ắp trong tôi dù trong cả lúc bĩ cực nhất của cuộc đời”.
Nghệ sĩ Minh Hiền cũng thường xuyên tham gia biểu diễn, giới thiệu tiếng hát ru đến rộng rãi công chúng và du khách qua nhiều sự kiện văn hóa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh như: Lời ru của mẹ, Ngày Văn hóa Hòa bình TP. Hồ Chí Minh, Lụa là một thuở… Nghệ sĩ Minh Hiền phấn chấn: “Chỉ cần đem tiếng hát, lời ru của mình đi cống hiến, để mọi người được nghe và cùng giữ gìn di sản văn hóa cha ông là tôi vui lắm rồi. Được hát ru, tôi thấy quên cả tuổi tác”.
“Đứng trước nguy cơ những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có hát ru ngày càng bị mai một, nghệ sĩ Minh Hiền đã đốt lại ngọn lửa trong mỗi thế hệ người dân Việt, góp phần lan tỏa ra nhiều người, để cùng nhau chung tay gìn giữ hát ru - một “di sản đặc biệt” của dân tộc.
Những nhà văn hóa khuyên nhủ, chúng ta nên giữ gìn hát ru như một nét đẹp văn hóa của người Việt để cho các thế hệ sau. Bên cạnh những làn gió mới của âm nhạc, các con vẫn được nghe những lời ầu ơ của mẹ. Những người mẹ hiện đại ngày nay hãy đừng bỏ qua điều tuyệt vời đó. Đừng lấy đi thế giới lời ru thiêng liêng của con mình!.