Hàng 100 ha đất nông nghiệp quanh chân núi Nưa đang bị hoang hóa, do “thổ phỉ” đào bới quặng Cromit. Các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản ở Thanh Hóa “buông lỏng quản lý” sự việc này đến bao giờ?.
Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị hoang hóa do khai thác cromit trái phép |
Tang vật bị “bốc hơi”
Đứng trên sườn núi Nưa giáp ranh huyện Như Thanh, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng nghìn “hố bom” như trận đồ bát quái trải bạt ngàn trên từng cánh đồng hoang hóa của xã Mậu Lâm và Phú Nhuận, do “thổ phỉ Cromit” để lại. Trước đây, những cánh đồng hoang này được nông dân các xã quanh chân núi Nưa coi là nguồn sống từ hai vụ lúa. Giờ đây, hàng 100 ha đất hoang hóa do khai thác cromit trái phép không biết đến bao giờ mới hoàn thổ, trả lại hiện trạng ban đầu cho bà con nông dân?.
Chiều muộn, trên cánh đồng Tâm Tiến, một số nhóm “thổ phỉ” tiếp tục nổ máy phát điện phục vụ cho việc khai thác quặng Cromit trái phép.
Chuẩn bị dụng cụ khai thác cromit trái phép |
Trước sự việc trên, chúng tôi điện thoại báo cho ông Lê Phụng Lương (Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh) để tìm kiếm biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng, ông Lương bảo: “…đang rất bận, vì đi cùng đoàn cán bộ của huyện Như Thanh đang trên đường đến Sầm Sơn dự lễ khai trương Biển”.
Qua ngày, chúng tôi có buổi trao đổi công việc với Công an huyện Như Thanh về biện pháp ngăn chặn việc khai thác quặng cromit trái phép trên địa bàn. Thượng tá Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng Công an huyện Như Thanh), cho biết: “Trước đây, tôi được phân công theo dõi tình hình trật tự trị an khu vực mỏ; nay đồng chí Trưởng Công an huyện trực tiếp chỉ đạo, xử lý công tác an ninh, trật tự an toàn khu vực có mỏ Cromit trên địa bàn”.
Cũng qua câu chuyện với thượng tá Tiến, chúng tôi được biết, ngày 04/4/2012, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa kết hợp với Công an huyện Như Thanh bắt và lập biên bản xử lý hành chính một vụ khai thác quặng trái phép, tịch thu hơn 20 tấn quặng Cromit của một nhóm “thổ phỉ” trên cánh đồng Tâm Tiến, rồi giao cho UBND xã Mậu Lâm bảo quản tang vật.
Thế nhưng, tang vật của vụ “xử lý hành chính” này hiện nay đã bị biến mất khỏi hiện trường. Chúng tôi mang câu chuyện này tìm gặp ông Lê Hữu Hòa (Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm) để kiểm chứng và tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Ông Hòa “giật mình” bảo: “Không biết”! Vậy ai đã tạo điều kiện làm “bốc hơi” hơn 20 tấn quặng Cromit do bọn thổ phỉ khai thác trái phép ? Cùng có mặt trong buổi làm việc, ông Lô Văn Huân (Phó trưởng Công an xã Mậu Lâm) cũng nói với chúng tôi là “không nắm rõ sự việc”.
Mỗi ngày có rất nhiều tấn quặng cromit được bọn “thổ phỉ” chở đi trong đêm |
Ai bảo kê cho bọn “thổ phỉ” ?
Bao năm qua, tình hình khai thác quặng Cromit trái phép ở xã Phú Nhuận và Mậu Lâm tuy có giảm nhưng vẫn “hàm chứa nhiều vấn đề phức tạp”. Ông Hòa, bảo: “Hoạt động khai thác cromit trái phép trên địa bàn xã Mậu Lâm rộ nhất vào năm 2010. Măn nay, hoạt động khai thác mỏ trái phép tuy có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những phức tạp, vì xã có tới 39% hộ nghèo, trong khi đó đất sản xuất nông nghiệp đang teo dần…”.
Ông Hòa cho biết, từ năm 2010 đến hết Quý I/2012, các cơ quan chức năng mới bắt và chỉ phạt hành chính được có 8 vụ. Ngày 01/4/2012, Công an xã Mậu Lâm bắt thêm được một vụ, tịch thu hai máy nổ.
Hiện tại, Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn thỉnh thoảng kiểm tra, giám sát các khu vực mỏ cromit; nhưng cảnh sát ra khỏi hiện trường thì hoạt động khai thác quặng trái phép lại tái diễn. Trưa ngày 27/4/2012, ông Lô Văn Huân lật cuốn lịch ghi chép rồi nói với chúng tôi, rằng: “Sáng nay (tức 27/4), Tổ công tác thuộc Phòng cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Tuấn Anh làm tổ trưởng cùng một số tổ viên đang vào các khu vực mỏ để kiểm tra và không thấy có hiện tượng khai thác quặng trái phép, chỉ thấy các dấu vết bánh xe ô tải hạng nặng còn lấm bùn, in trên đường vào các bãi của bọn thổ phỉ…”.
Khu vực đất lâm nghiệp 661 của xã Mậu Lâm liên tục bị “thổ phỉ” khai thác quặng trái phép, chủ tịch và công an xã này biết vẫn không xử lý. |
Thế nhưng, chiều ngày 27/4/2012, trên diện tích đất 661 địa bàn thôn Tâm Tiến xã Mậu Lâm việc khai thác quặng cromit trái phép của một số nhóm “thổ phỉ” vẫn diễn ra bình thường. Chứng kiến sự việc này, chúng tôi tiếp tục điện thoại báo cho ông Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Lê Phụng Lương tìm biện pháp xử lý.
Ông Lương bảo sẽ chỉ đạo UBND xã Mậu Lâm xử lý ngay. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì ông Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm là Lê Hữu Hòa vẫn mặc nhiên để cho bọn “thổ phỉ” thả sức khai thác quặng Cromit trong các ngày 30/4 và 01/5 cho đến ngày 09/5 trên khu vực mỏ thuộc đất 661 thôn Tâm Tiến.
Cromit “chảy” về đâu?
Trên cánh đồng thôn Đồng Nghiêm cũng thuộc xã Mậu Lâm, hiện có một nhóm “thổ phỉ” khoảng 8 người đang dùng máy nổ, máy xúc và các dụng cụ tuyển quặng Cromit; khai thác thuê cho Công ty Cổ phần Nam Việt. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Khắc Toản, bảo: “Chúng tôi khai thác thuê cho ông chủ có tên là Nguyễn Văn Thắng và mỗi người chỉ được trả công hơn 100 nghìn đồng/ngày. Làm ngày nào ăn ngày đó, tất cả số lao động tại bãi đều không có hợp đồng lao động…”.
Anh Toản cho biết, hàng ngày ông chủ Thắng cử người gom quặng Cromit bán lại cho công ty Cổ phần Nam Việt với giá khoảng 2 triệu đồng một tấn. Chỉ tay về phía đống quặng Cromit khoảng 70 – 80 tấn đang chất cao lù lù bên lán trại, anh Toản bảo: “…đang chờ đêm đến, ô tô của các đầu nậu sẽ vào bãi xúc quặng lên ô tô chở đi”. Quặng Cromit do bọn “thổ phỉ” khai thác trái phép sẽ chở về đâu ?
Theo các nguồn tin thu thập được, các xã quanh chân núi ngàn Nưa như Mậu Lâm, Phú Nhuận (huyện Như Thanh), Văn Sơn, Tân Ninh và Thái Hòa (huyện Triệu Sơn) có hàng trăm ha đất nông nghiệp chứa quặng cromit đã và đang (có nguy cơ) bị đào bới trái phép.
Trong những năm qua, số lượng hàng ngàn tấn quặng cromit khai thác thổ phỉ sẽ được một số các đầu nậu lớn, trong đó có đối tượng Phong Lác (tên này vừa bị bắt về tội đánh bạc) và Sơn Tôm mua gom. Sau đó, các chủ đầu nậu này “tìm cách” vận chuyển về cảng Lễ Môn (Thanh Hóa) hoặc cảng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu – Nghệ An) hoặc cảng sông Ninh Cơ (Kim Sơn – Ninh Bình) để xuất cảng cho các thương lái Trung Quốc.
Mặt khác, một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cấp phép cho thuê nhiều trăm ha đất có chứa khoáng sản cromit, nhưng do các nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan khác nhau chưa có điều kiện tổ chức khai thác theo đề án phê duyệt, nên có sự buông lỏng quản lý hoặc thuê đầu nậu khai thác.
Điển hình tại xã Mậu Lâm, có hơn 300 ha đất (trước đây là đất nông nghiệp) có chứa cromit và đã được UBND tỉnh cấp cho một số công ty tổ chức khai thác theo quy định của Luật khoáng sản. Trong đó, Công ty Cổ phần Nam Việt được cấp phép trên đất Mậu Lâm là 26,7 ha. Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp tổ chức khai thác theo thiết kế mỏ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mà để cho các đầu nậu khai thác… tự do.
Nếu cứ để mặc nhiên cho các đầu nậu tổ chức theo kiểu “thổ phỉ” thì sẽ dẫn đến tình trạng khai thác trái phép cromit tràn lan loang ra các khu vực và các địa phương lân cận. Điều này rất có thể khiến an ninh nông thôn trong khu vực có quặng cromit thuộc các xã quanh chân núi Nưa thêm phức tạp.
Phóng sự của Lê Trọng Hùng