Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới tại Syria: Diễn biến khó lường

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria
(PLO) -Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa khẳng định tiếp tục chiến dịch "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria cũng như chuẩn bị mở cuộc tấn công nhằm vào người Kurd tại đây. 


Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới tại Syria đang tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi chưa được phép của chính quyền nước này. 

Chiến dịch quân sự mới

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9-1-2018 cho biết quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội trước đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Erdogan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động tại các khu vực Manbij và Afrin của Syria, nơi có nhiều người Kurd gốc Syria sinh sống. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết đã đến lúc đối đầu với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) cùng các phe nhóm của họ ở Syria và ngăn cản đảng này thiết lập một hành lang ở miền Bắc Syria.

Trước đó, ngày 7-1, kênh truyền hình al-Mayadeen TV đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công nhằm vào khu vực Afreen do người Kurd kiểm soát tại miền Bắc Syria. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập các bệnh viện dã chiến tại vùng biên giới Kumlu của nước này tiếp giáp tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria, nhằm chuẩn bị phát động cuộc tấn công vào Afreen, ngoại ô tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria. Al-Mayadeen TV dẫn lời các nguồn tin cho hay 15.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung tại vùng Kilis của nước này để tham gia cuộc tấn công.

Trước khi tuyên bố mở chiến dịch quân sự mới vào Syria, ngày 9-10-2017, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tiến sâu vào tỉnh Idlib, miền Bắc Syria và triển khai kế hoạch thiết lập khu vực giảm căng thẳng tại đây.

Hồi năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cũng như ngăn chặn bước tiến của các tay súng thuộc YPG, cánh quân sự của đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD), vốn bị chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Tháng 4-2017, Thổ Nhĩ Kỳ từng thông báo nước này đã hoàn tất chiến dịch "Lá chắn Euphrates", nhưng Ankara vẫn duy trì hiện diện quân sự để đảm bảo an ninh tại các thị trấn ở Bắc Syria, hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập ủng hộ Ankara ở Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự "Lá chắn Euphrates" bên trong lãnh thổ Syria

Tiềm ẩn diễn biến khó lường

Chính quyền Syria cho rằng, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria sẽ khiến chiến trường Syria tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn một mực khẳng định, mục đích chính của chiến dịch quân sự mới không phải là nhằm xung đột với quân đội Syria hay các lực lượng địa phương trong khu vực, mà chỉ nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực nơi mà những cuộc xung đột bạo lực nhất đang diễn ra.

Bất kể được cho là ngầm ủng hộ lực lượng đối lập Quân đội Tự do Syria (FSA), thì một trong những nhiệm vụ then chốt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi hiện diện ở Syria vẫn được khẳng định là sẽ làm cho cuộc đình chiến giữa quân chính phủ và các lực lượng đối lập địa phương trở nên “bền vững”. Với mục đích này, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hình thành các điểm quan sát và giám sát ngừng bắn. Hơn nữa, bình luận về chiến dịch quân sự mới tại Syria của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho rằng tình hình tại biên giới với Syria là một mối đe dọa với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Erdogan, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không triển khai chiến dịch quân sự mới tại nước láng giềng Syria nguy cơ bất ổn an ninh sẽ đe dọa Ankara.

Mặc dù phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định mục tiêu chính của các chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria vẫn là nhằm tập trung vào hỗ trợ lực lượng quân đội Syria tự do chống lại các phần tử khủng bố, tuy nhiên hành động can dự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lâu nay vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính quyền Damascus. Rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria mà chưa được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus. Chính quyền Syria đã liên tục chỉ trích mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân trái phép vào lãnh thổ Syria là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Syria chỉ có thể được tiến hành với sự phối hợp của chính quyền Damacus.

Trong khi đó, liên quan đến các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib được thực hiện theo kế hoạch thiết lập 4 khu vực giảm căng thẳng mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thiết lập ở phía Tây Syria sau nhiều năm xung đột. 

Ngày 9-1, Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát các nhóm vũ trang ở vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Syria hôm 6-1.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự tại vùng giảm căng thẳng, nhấn mạnh thỏa thuận Astana nhằm giảm thù địch cần phải được tôn trọng. Paris kêu gọi lập tức chấm dứt bạo lực, tạo điều kiện một cách hoàn toàn cho việc hỗ trợ nhân đạo tất cả người dân đang gặp khó khăn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Nga tại Ankara để phản đối những vụ vi phạm cơ chế ngừng bắn tại khu vực giảm căng thẳng Idlib ở Syria.

Liên quan đến vụ việc, Đại sứ Iran, một trong 3 nước bảo trợ cho cơ chế ngừng bắn ở Syria, cũng bị Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu đến. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nước này đã đề nghị các đại sứ Nga và Iran kêu gọi Damascus chấm dứt những vụ vi phạm như vậy.

Tiếp đó, ngày 10-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, Nga và Iran cần phải hoàn thành nhiệm vụ của mình và ngăn chặn các cuộc tấn công của quân Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib của nước này. Ông Cavusoglu nhấn mạnh, các vụ vi phạm sẽ không thể xảy ra nếu không có sự ủng hộ của Nga và Iran.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng khẳng định quân đội Chính phủ Syria đã lấy danh nghĩa “chống tổ chức khủng bố Jebhat Al-Nusra” để tấn công binh sĩ của phe đối lập ôn hòa tại khu vực tỉnh Idlib.

Rõ ràng, vào thời điểm hiện nay, bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên liên quan đều có thể khiến tình hình chiến sự tại Syria càng trở nên phức tạp hơn. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, nếu không có sự phối hợp hài hòa với các bên, chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường...

Cảnh báo chấm dứt thỏa thuận dẫn độ với Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 11/1 cảnh báo nước này sẽ không dẫn độ bất kỳ nghi can nào về Mỹ nếu Washington không giao nộp giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016. 

Giáo sĩ Gulen là người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang lưu vong tại Mỹ. Ankara cáo buộc giáo sĩ này đứng sau âm mưu đảo chính và đã nhiều lần đề nghị Mỹ dẫn độ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết các tòa án đòi bằng chứng thuyết phục mới dẫn độ giáo sĩ này. Bản thân ông Gulen cũng đã bác bỏ mọi dính líu đến cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Phát biểu tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã giao cho Mỹ 12 nghi can khủng bố, nhưng Mỹ không trao lại người mà Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị. Ông cảnh báo nếu Mỹ không trao trả ông Gulen và xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ, thì từ nay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dẫn độ bất cứ nghi can khủng bố nào mà Mỹ đề nghị. 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đồng minh Hồi giáo lớn nhất của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, những tháng gần đây, Ankara và Washington đã bất đồng trong nhiều vấn đề, như việc người Mỹ liên minh với các tay súng người Kurd (Cuốc) ở Syria hay việc Mỹ cấm một lãnh đạo ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2017, hai nước đã ngừng cấp thị thực cho công dân của nhau trong vài tháng sau một tranh cãi liên quan đến vụ bắt giữ 2 nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc liên hệ với cuộc đảo chính năm 2016.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.