Thổ Nhĩ Kỳ tức giận trước hành động của Mỹ
Theo CNN, Tổng thống Tayyip Erdogan đã miêu tả Lực lượng Biên phòng Syria mà Mỹ chuẩn bị lập ra với nòng cốt là các chiến binh người Kurd là “đội quân khủng bố” và thề sẽ “nhấn chìm nó” trước khi nó kịp ra đời. “Mỹ đã thừa nhận rằng nước này đang xây dựng một quân đội khủng bố dọc theo biên giới quốc gia của chúng tôi. Trách nhiệm của chúng tôi là phải khống chế những hành động này trước khi nó diễn ra”, ông Edorgan cho biết.
“Đây là điều chúng tôi phải nói với tất cả các đồng minh của chúng tôi: đừng đứng giữa chúng tôi và các tổ chức khủng bố, nếu không chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những hậu quả không mong muốn”, Tổng thống Erdogan cảnh báo. Ông này còn gửi thêm lời nhắn rằng, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu “cho đến khi không còn một tên khủng bố đơn lẻ nào tồn tại dọc các đường biên giới của chúng tôi chứ đừng nói đến cả một đội quân gồm 30.000 tên khủng bố”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/1 cũng tuyên bố nước này lên án kế hoạch của Mỹ nhằm thành lập cái gọi là Lực lượng An ninh biên giới (BSF) không hề có sự tham vấn với Ankara. “Liên quân do Mỹ đứng đầu đã không tham vấn với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thành lập các lực lượng này, và hiện vẫn chưa rõ thành viên liên quân nào đã đưa ra quyết định này. Đây là bước đi đơn phương, được thể hiện là hành động của liên quân, và là hành động sai lầm nghiêm trọng, điều sẽ gây bất lợi cho cuộc chiến chống IS”, Bộ Ngoại giao cho hay.
Những tuyên bố này của Tổng thống Erdogan được đưa ra trong tuần qua, sau khi Mỹ công khai thừa nhận rằng nước này đang cung cấp vũ khí, xây dựng và huấn luyện cho lực lượng an ninh biên phòng (BSF) mới trên lãnh thổ Syria do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát, trong đó bao gồm cả lực lượng dân quân người Kurd (YPG).
Được biết trong tuần qua, ông Ryan Dillon- người phát ngôn liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho biết, lực lượng liên minh đang làm việc với SDF để thành lập và huấn luyện cho lực lượng BSF mới. Mỹ khẳng định đội quân này chỉ đơn thuần tập trung vào an ninh chứ không phụ trách các hoạt động biên giới nào khác như hải quan hoặc nhập cư.
“Hiện tại có khoảng 230 người được đào tạo trong các lớp huấn luyện của BSF và cho đến cuối năm sẽ hoàn thành mục tiêu là 30.000 binh lính vũ trang, sẽ đóng tại các đường biên giới của Syria với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như dọc Thung lũng Sông Euphrates”, ông Dillon nói.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước lên tiếng phản ứng đầu tiên và cũng là nước phản ứng gay gắt nhất với thông báo nói trên. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi Lực lượng Dân chủ Syria có thành phần nòng cốt là các chiến binh người Kurd. Đội quân người Kurd ở Syria là đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng lại là kẻ thù không đội trời chung của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách đây không lâu, Washington đã phần nào trấn được đồng minh Ankara khi thông báo quyết định ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng vì bước đi của Mỹ, Ankara lại sốc trước thông báo mới nhất về việc liên quân do Mỹ dẫn đầu đang nhăm nhe lập một đội quân gồm hàng chục nghìn người, trong đó có lực lượng người Kurd, ở ngay sát sườn của họ.
Các chuyên gia chính trị cho biết, Mỹ đang toan tính nhiều mục tiêu khác nhau khi đưa ra kế hoạch nêu trên. Mục tiêu đầu tiên của việc thành lập BSF là ngăn chặn việc triển khai các lực lượng vũ trang dọc biên giới giữa nước này với Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu thứ hai nhằm tạo ra khu vực có các đường biên giới được đảm bảo an ninh song đòi hỏi chia tách khỏi Syria. Với những mục tiêu trên Mỹ đang hướng đến tham vọng vượt Nga để trở thành quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực, đồng thời có thể chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ bị lên án
Kế hoạch này của Mỹ không chỉ bị Thổ Nhĩ Kỳ lên án mà còn bị nhiều quốc gia phản đối. Bộ Ngoại giao Syria cho rằng bước đi của Mỹ có thể gây leo thang căng thẳng và xung đột tại Trung Đông, cản trở các giải pháp tìm kiếm hòa bình cho Syria. Và Chính phủ Syria quyết tâm chống lại mọi âm mưu chia rẽ đất nước, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và lợi ích của người dân Syria. “Quyết định của Mỹ nằm trong khuôn khổ các chính sách hủy diệt, nhằm phá vỡ khu vực, chồng chất thêm căng thẳng và xung đột, cản trở các giải pháp xử lý khủng hoảng”, Bộ Ngoại giao Syria cho hay.
Tương tự, Nga lên án Mỹ về việc thành lập lực lượng BSF trong vấn đề Syria. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 15/1 nhấn mạnh, hành động đơn phương của Mỹ thành lập lực lượng quân đội tại Syria có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phía Nga cho rằng hành động của Mỹ không có lợi cho tiến trình hòa bình tại Syria, thậm chí khiến leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd gia tăng. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov còn tuyên bố, Moscow cùng các đối tác sẽ trả đũa Mỹ, viện dẫn những hành vi như vậy thể hiện sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ lên gân
Trước bối cảnh trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng phản đối Mỹ về kế hoạch thành lập một lực lượng an ninh biên giới với quân số lên tới 30.000 người tại Syria.
Phát biểu trước các thành viên trong đảng cầm quyền, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã đặt câu hỏi về quan điểm của NATO trong vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh NATO cần có động thái và nghĩa vụ chống lại những thành phần có hành động quấy rối và xâm phạm biên giới của các nước thành viên.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho triển khai một đoàn gồm 40 phương tiện quân sự và xe tăng tới các khu vực phía Nam, dọc biên giới giáp Syria. Theo đó, hơn 20 xe bọc thép đã tiến vào huyện Reyhanli thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các phương tiện phá sóng quân sự. Một đoàn gồm khoảng 20 xe quân sự khác, trong đó có cả xe tăng, cũng đã tới huyện Viransehir, tỉnh Sanliurfa nhằm tăng viện cho các đơn vị quân đội đã được điều động tới đây.