Ông Hải năm nay đã 64 tuổi, ấy vậy mà tuổi nghề đã 36 năm. Để không uổng phí thời gian vàng ngọc, ông vừa miệt mài với công việc vừa xen kẽ kể chuyện đời mình. Ông bảo nghề làm băng rôn bằng tay cũng bắt đầu từ chữ duyên. Đưa đôi bàn tay lau vội vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chảy dọc xuống cổ, “nghệ nhân” kể cho chúng tôi nghe cái duyên đến với nghề.
Lúc đầu, ông Hải làm vì sự đam mê, dù biết những chiếc băng rôn bán ra giá không cao nhưng ông vẫn say mê, tâm huyết với chúng. Ông bảo cũng nhờ một phần có năng khiếu vẽ viết, cộng thêm tính cần mẫn, tỉ mỉ xuất phát từ tính cách của một người Huế chất phác nên khi làm, bản thân không hề cảm thấy có khó khăn hay trở ngại gì cả.
Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua ba công đoạn chính. Đầu tiên là pha màu và nhuộm vải bằng, sau đó là ra vải và đường biên. Đây là bước rất cần sự tỉ mỉ và tập trung cao độ, bởi chỉ cần một chút lơ là thì mảnh vải sẽ không thẳng và lệch ngay. Bước tiếp theo là sẽ in chữ lên vải bằng những chiếc khuôn đã cắt sẵn. Bước cuối cùng là hoàn thiện băng rôn theo ý của khách hàng. Thế là một chiếc băng rôn với những lời chúc chân thành đã được hoàn thành sau 5 đến 10 phút một cái. Giá thành của những chiếc băng rôn này chỉ khoảng 15 nghìn đồng.
“Bây giờ công nghệ phát triển nên sức nặng cạnh tranh cũng cao hơn”, ông Hải nói. Tuy nhiên, theo ông dù máy móc nhanh và tiện lợi nhưng lại bị rập khuôn, còn làm thủ công như chú tuy thời gian lâu hơn nhưng mẫu luôn đa dạng, phong phú. Hình dáng của những chiếc băng rôn sẽ được chú tùy ý mà biến đổi, tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Giữa cuộc sống kinh tế ngày càng phát triển, máy móc hiện đại ngày càng thay thế sức người thì giá trị lao động của những con người làm bằng sức của chính mình ấy thật trân quý biết bao. Họ không quá để tâm đến năng suất mặc dù nếu làm bằng máy, chắc chắn thu nhập của họ sẽ cao hơn, sức người bỏ ra cũng ít hơn. Nhưng không, tâm hồn của người đàn ông 64 tuổi ấy vẫn muốn làm ra những băng rôn bằng tâm huyết của mình, ghi những lời chúc chân thành bằng cả tấm lòng mình.