Tinh hoa trong từng tấm vải
Con đường nhỏ bình yên nơi miền quê Mỹ Nghiệp vang lên những tiếng cách cách đặc trưng của chiếc khung gỗ dệt thổ cẩm. Nơi đây, các các nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hàng ngày vẫn miệt mài bên những khung gỗ dệt ra những tấm thổ cẩm muôn màu sắc thật dễ thương.
Lịch sử ghi lại rằng, trước kia làng có tên Chăm là Ca Klaing, tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp. Thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải. Bà đã truyền lại nghề cho vợ chồng ông Xa và bà Chaleng đang sinh sống ở làng. Từ đó, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được phát triển đến tận ngày nay.
Theo các nghệ nhân, trước đây, để có màu đen làm nền, người dệt phải nhuộm tẩm thổ cẩm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm trong bùn non 7 ngày đêm liên tục. Muốn có màu đỏ thì phải đi tìm mủ cây cánh kiến ở rừng, còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm…
Hiện nay, từ sợi chỉ đến phẩm nhuộm sử dụng làm nguyên liệu cho nghề dệt thổ cẩm đều có trên thị trường. Do đó, giúp người thợ dệt Mỹ Nghiệp bớt phần vất vả bởi các công đoạn tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm đập, nhuộm…
Tinh hoa văn hóa Chăm trong từng tấm thổ cẩm tinh xảo. |
Và, sự hiện hữu của máy móc hiện đại chỉ tham gia vào những khâu đơn giản để giải phóng sức lao động của con người, chứ không lấn át đi sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong bàn tay, khối óc của những nghệ nhân.
Ở đây vẫn còn những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược đã được giữ gìn từ nhiều đời được treo hai bên khung dệt để người thợ đánh go tạo hoa văn. Nhà nào cũng có một khung dài có sử dụng hoa đồng để dệt những vải dài, còn với khung dệt ngắn để dệt trang phục, khăn thì người thợ đánh go bằng những thanh tre. Có lẽ vì làm thủ công nên người Mỹ Nghiệp giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết mà người xưa để lại.
Trong các công đoạn dệt thổ cẩm khó nhất phải kể đến khâu phối màu. Để tạo nên những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về màu sắc. Ở khâu dập vải đòi hỏi phải làm đều tay, nếu không thổ cẩm sẽ không căng mịn và khó làm nổi bật hoa văn. Từ đôi tay khéo léo của người dệt, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo nổi bật.
Điểm độc đáo của mỗi tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp là đều có những nét riêng cho dù được dệt bởi cùng một nghệ nhân. Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách… khi mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp tạo ra sản phẩm đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng.
Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp được giữ gìn theo cách riêng, đó là mẹ truyền con nối. |
Trên nền thổ cẩm màu đen - đỏ, màu đặc trưng của thổ cẩm Chăm, các kiểu hoa văn hiện lên hết sức đa dạng, từ những khối hình học cơ bản, đến mỏ neo, mây, kỳ nhông, rồng, phượng cách điệu… Hoa văn trên trang phục phụ nữ Chăm theo đó cũng thể hiện tầng lớp, địa vị của người mặc.
Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, các nghệ nhân ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp còn chế tác ra những mẫu mã khác như: túi xách, ví, ba lô, áo khoác… để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ…
Điều đặc biệt, truyền thống của người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên nghề dệt này cũng được giữ gìn theo cách riêng, đó là mẹ truyền con nối. Những người phụ nữ đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất của nghề có được “đặc quyền” dệt những tấm vải dùng vào những nghi lễ thiêng liêng, trang trọng nhất của cộng đồng và trao truyền tri thức cho con cái.
Ở làng Mỹ Nghiệp có 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu thì đã có tới 500 nghệ nhân dệt thổ cẩm. Trong đó, hầu hết là phụ nữ, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm với khung dệt.
Gìn giữ, phát triển biểu tượng văn hóa Chăm
Theo ông Hàm Minh Thiệu - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (gọi tắt là HTX), thay vì sản xuất trong từng gia đình, đến nay, nhiều bà con đã tập hợp nhau về Hợp tác xã HTX, có một gian nhà rộng rãi thoáng mát để sản xuất, trưng bày và giới thiệu cho du khách.
HTX được thành lập ngày 31/12/2010 với 25 xã viên tham gia. Đến nay, HTX đã kết nạp 113 thành viên, đều là các hộ gia đình ở địa phương tự nguyện gia nhập, cùng hỗ trợ, bảo ban nhau làm ăn, phát triển nghề.
Để duy trì và phát triển, HTX đã kết nối với nhiều đơn vị lữ hành trong tỉnh Ninh Thuận cũng như ngoài tỉnh để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn. Sau khi nhận đơn đặt hàng, HTX sẽ phân công công việc cho từng người, đảm bảo ai cũng có việc làm. Nhờ tay nghề cao mà sản phẩm của HTX luôn được khách hàng đánh giá cao.
Chị Hàm Thị Như Ý - nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cho biết: “Thị trường có cả trong nước và nước ngoài, xuất sang Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ… Nhà tôi làm mấy đời nghề dệt rồi. Từ khi hình thành HTX, các hộ làm nghề tập trung lại, mỗi người một công đoạn, người quay tơ, người móc, người dệt vải… nên hiệu quả hơn”.
Tại nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp, ngoài gian nhà sản xuất, Ban Quản lý HTX dành một không gian để giới thiệu làng nghề và bày bán sản phẩm. Điều đặc biệt, rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen được đặt trang trọng như một niềm tự hào của quê hương.
“Điều đáng trân trọng nhất là các sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã sống được trong chính cộng đồng của mình, rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, danh tiếng của làng nghề cứ thế vươn xa, khẳng định được chỗ đứng trong xã hội”, ông Thiệu cho biết.
Đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng quá trình dệt nên những tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc mà còn được dịp tận tay sờ, chạm và ướm thử những tấm vải mềm, mịn. Với những bàn tay tài hoa, uyển chuyển của những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, du khách sẽ thấy thao tác điêu luyện khéo léo đến mức nào. Không những thế, du khách còn thấy được sự tự hào dân tộc, niềm say mê nghề của những nghệ nhân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất.
Tại làng nghề này, du khách còn có thể hóa thân thành những cô gái, chàng trai dân tộc Chăm để học hỏi cách dệt thổ cẩm qua sự chỉ dẫn của những nghệ nhân nơi đây. Trong từng nhịp điệu, giai đoạn đạp vải, kéo tơ… du khách sẽ thấy được sự khó khăn, vất vả nhưng đầy hứng thú khi tạo ra những đường nét hoa văn trên nền vải thổ cẩm mềm mại.
Trong quá trình trải nghiệm những công đoạn dệt thổ cẩm, du khách còn được nghe những câu chuyện tình yêu, câu chuyện về các giai thoại lịch sử dân tộc Chăm. Qua đó, du khách sẽ hiểu hơn về văn hóa, con người Chăm nơi đây.
Đồng bào dân tộc Chăm sống tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, trong đó đông nhất là ở tỉnh Ninh Thuận. Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Chăm, thể hiện sinh động phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào Chăm trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển của mình. Sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp luôn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đưa nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam bay cao, vươn xa.