Được mệnh danh là những con bò “ăn cỏ non, nghe nhạc giao hưởng”, nguyên nhân của việc thịt bò Kobe đắt đỏ là bởi chúng rất hiếm, do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc cao cũng như chất lượng thơm ngon độc đáo.
Nguồn gốc của món ăn đắt giá
Bò Kobe, thuộc giống bò Tajima-ushi, một giống bò độc đáo của vùng thị trấn Kobe, vùng Kinki, Nhật Bản. Chúng được nuôi tại xứ hoa anh đào từ thế kỷ II để lấy sức kéo phục vụ việc trồng lúa, thồ hàng. Người dân bị cấm giết mổ loài động vật vốn rất quan trọng với nền nông nghiệp Nhật thời đó.
Trải qua suốt thời kỳ Edo (1603 - 1867), người Nhật hầu như không biết tới mùi vị của thịt bò, đó còn là bởi quan điểm Phật Giáo, họ không hề ăn thịt của động vật hay gia súc bốn chân.
Chỉ tới khi Thiên hoàng Minh Trị tiến hành cải cách (1868), văn hóa Phuơng Tây du nhập vào Nhật Bản, những nhà cách mạng tân tiến bắt đầu học cách sống của phương tây, họ mặc kiểu Tây, đặc biệt là ăn kiểu Tây, phong tục này mới dần được gỡ bỏ. Dù vậy, bò Kobe cũng chỉ được nuôi và giết mổ phục vụ một bộ phận rất nhỏ hoàng gia và những người giàu có.
Bò Kobe được sinh ra và nuôi lớn ở vùng Hyogo |
Sau đó những người có cơ hội nếm thịt bò là những người lính. Theo nhiều tài liệu lịch sử, khi tham gia chiến trận, lính Nhật được ăn khẩu phần có thịt bò, giúp họ có thêm sức chiến đấu. Tuy nhiên, khi hết chiến tranh và trở về nhà, họ không còn có cơ hội đó nữa. Nỗi nhớ hương vị thịt bò độc đáo này mạnh tới nỗi, nhiều người lính Nhật đã phải tìm cách nấu trộm loại thịt này và sáng tạo ra món ăn Sukiyaki (một dạng lẩu với thịt bò và rau).
Bò Kobe phải được sinh ra ở vùng Hyogo, nuôi lớn bằng cỏ, nước và trong điều kiện khí hậu ở đây suốt đời. Bởi vùng Hyogo có địa hình chia cắt của Nhật Bản khiến những đàn bò Kobe được nuôi tách biệt với các loại bò khác. Theo thời gian, sự tách biệt này khiến bò Kobe dần mang những đặc điểm gene đặc trưng, dẫn tới hương vị thịt của chúng rất độc đáo, có 1-0-2 trên thế giới.
Quy trình nuôi khắt khe
Thông thường, 60% bê con sẽ sinh trưởng khỏe mạnh. Chúng được cai sữa khi đạt 8-10 tháng tuổi, rồi được chuyển cho các trang trại để bắt đầu quá trình nuôi tập trung. Thức ăn của những chú bò Kobe đều được chọn lọc - đó toàn là thức ăn rất bổ dưỡng như lúa non, cỏ tươi; còn đồ uống là nước được chiết xuất, lọc tinh khiết (có nơi người dân phải khoan giếng sâu tới 180m dưới lòng đất để lấy nước cho bò uống).
Vào khoảng tháng 8-10 hàng năm, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 30 độ C, những con bò thường bị nóng, điều này khiến chúng bỏ ăn. Lúc này, người ta cho bò Kobe uống bia hay rượu sake, nhằm kích thích chúng ăn uống nhiều hơn và cũng để thức ăn dễ tiêu hóa hơn.
Chưa hết, với quan niệm bò Kobe sẽ cho thịt ngon hơn trong trạng thái thoải mái, nông dân Nhật Bản rất quan tâm tới khía cạnh “tâm hồn” của những chú bò. Có những trang trại, người chủ trang trại còn cho bò nghe nhạc cổ điển và bỏ ra hàng giờ liền trò chuyện, vuốt ve chúng. Ngoài ra, hàng ngày, bò Kobe còn được tắm táp sạch sẽ, đôi khi bằng các loại rượu khác nhau. Trong suy nghĩ truyền thống của người Nhật, việc làm này giúp cho bò được thả lỏng cơ bắp và đẹp da, từ đó ảnh hưởng tích cực tới chất lượng thịt.
Quy trình nuôi bò Kobe vô cùng khắt khe |
Bò được chăn thả tự do, nhưng không quá xa chuồng trại. Mỗi trang trại chỉ được nuôi 10-15 con bò trong kỳ vỗ béo và vài ba con bê. Trong 10 tháng đầu kể từ khi cai sữa, bò Kobe chỉ được phép có cân nặng giới hạn 250 - 280 kg/con.
Vào giai đoạn vỗ béo, những con bò được massage mỗi ngày bằng chổi rơm (hoặc tay không). Trong quan niệm của người Nhật, việc massage sẽ giúp bò bớt căng thẳng, đồng thời làm giảm lượng mỡ thừa trên người bò. Khi đó các thớ thịt bò Kobe thành phẩm sẽ mềm và ngon hơn.
Thời gian massage phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của từng con, lượng mỡ trong cơ thể chúng. Yêu cầu quan trọng đối với người nuôi bò Kobe là mỡ và thịt của chúng phải được phân bố đều, trong đó, mỡ chiếm khoảng 35%. Trong thời gian này, người nuôi cũng không được phép để bò tăng quá 0,6 kg/ngày.
Tại các trại nuôi, bò Kobe được đóng dấu tai cẩn thận, và chúng cũng có giấy “khai sinh” riêng. Giấy này đảm bảo nguồn gốc thuần chủng của bò mẹ cũng như ba đời tổ tiên của con bò. Sau khi bò Kobe đã lớn, chúng sẽ phải trải qua một quy trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi được mổ làm thịt. Bò Kobe đạt tiêu chuẩn phải là con thuần chủng được sinh ra ở tỉnh Hyogo, nuôi dưỡng tại Hyogo, bị thiến để đảm bảo “trinh tiết”.
Có giá “trên trời”
Những con bò xuất chuồng phải được mổ ngay tại khu vực chăn nuôi, sau đó đóng dấu của hàng loạt cơ quan chuyên trách Nhật Bản, trong đó có đơn vị chuyên quảng bá thịt bò Kobe. Những con bò đủ tiêu chuẩn sẽ được mang bán đấu giá. Con ngon nhất sẽ chỉ có tổng lượng thịt khoảng 470kg, và có mức giá tương đương 1 tỷ đồng.
Thịt của một bò Kobe sẽ được chia thành 5 loại, với mức giá chênh lệch khá lớn. Ví dụ, 1kg thăn Bò Kobe tại Nhật Bản có giá tầm 1.000USD, muốn nhập được sản phẩm này phải có chứng thư bảo lãnh của Hiệp Hội chăn nuôi Nhật Bản, Cục Thực phẩm, Hội sản xuất và uảng cáo Kobe. 3 thứ giấy tờ này đội lên thành gần 2.000USD nữa cho 1kg.
Khi thịt bò Kobe được bán đi, cho dù trong cửa hiệu hay nhà hàng, thịt đó phải mã với 10 chữ số để người dùng biết đó là thịt đến từ con bò nào. Hiện nay tại Hyogo, trong 5.500 con bò được nuôi dưỡng, số lượng đạt tiêu chuẩn để ghi tên Kobe chỉ khoảng 3.000 con, một nửa trong số này được giết thịt để cung ra thị trường mỗi năm.
Chất lượng tuyệt vời của thịt bò Kobe khiến chúng có giá vô cùng đắt đỏ |
Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày trên toàn thế giới chỉ có khoảng 3 con bò Kobe được giết thịt, tương đương 1,2 tấn thịt được cung ứng. Vì vậy, thậm chí người Nhật muốn ăn thịt bò Kobe thường xuyên phải chờ hàng tháng trời mới tới lượt. Có thể nói, với quy trình nuôi dưỡng như “ông hoàng, bà chúa”, thịt bò Kobe được mệnh danh là loại thịt bò ngon nhất hành tinh.
Để ăn bò Kobe, thông thường mọi người đều ăn riêng và không có bất kỳ loại gia vị nào, cũng hiếm ai ăn bò Kobe chín hoàn toàn mà vẫn chừa lại một phần sống ở giữa để có thể trải nghiệm vị thịt nguyên chất nhất. Thịt bò Kobe được mô tả là không thề tanh, do chế độ dinh dưỡng thanh đạm thuần cỏ của những chú bò này.
Nhiều người đã tả là bò Kobe có thể tan ra ngay trong miệng mà không cần nhai. Tuy nhiên đây chỉ là “lỗi giác”, bò Kobe mềm đến khó tin, nhưng không đến mức cho vào miệng là tan. Các món ăn làm từ “thịt bò Kobe” này cũng đắt hơn nhiều lần so với các món ăn cùng loại khác. Chẳng hạn, một “hamburger Kobe” có giá lên đến 40USD.
Thịt bò Kobe tuy rất nổi tiếng nhưng thực khách chỉ có thể tìm được bò Kobe thứ thiệt tại Nhật Bản, Macau và Hồng Kông. Chính vì vậy, tác giả Larry Olmsted, tác giả của loạt bài viết “Food’s biggest scam: The great Kobe beef lie (Vụ lừa đảo thực phẩm lớn nhất: Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe)” đăng trên Forbes, đã nói rằng tất cả thịt bò Kobe tại Mỹ đều là hàng giả.