Nhiều chuyện buồn liên tục diễn ra được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin khiến dư luận phiền lòng. Cầu Cần Thơ mới khánh thành đã phải chịu những cơn mưa đinh, bão rác kéo dài. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương bị biến thành đường… làng. Người dân khu vực chung quanh đường ngang nhiên tháo các thanh chắn, lập quán bán đồ ăn thức uống; thậm chí san đường nối vào nhà mình. Trước đó, các cầu Hoàng Long,Thanh Hoá, Tân Đệ, Thái Bình; Thanh Trì, Hà Nội, cầu Bính, Hải Phòng… đã từng bị tháo bu loong, cuỗm thanh chắn để bán phế liệu
Những sự kiện không bình thường trên, đáng tiếc lại diễn ra thường xuyên, trở thành chuyện bình thường, lặp đi lặp lại trong đời sống xã hội. Nó không chỉ gây thiệt hại cụ thể về vật chất mà là vết thương tinh thần làm xấu đi hình ảnh văn minh của đất nước. Nguyên nhân cơ bản là sự “thiếu ý thức”, trình độ dân trí thấp của một bộ phận công dân. Sự thiếu ý thức lặp đi lặp lại thành thói quen, nhiễm vào người như một bản năng, khiến cái bất thường thành cái bình thường. Thậm chí xã hội nghe quen tai, nhiều người nhìn quen mắt đến mức mất khả năng phản ứng trước cái xấu. Nhưng nguyên nhân quan trọng không kém là sự “thiếu ý thức”, sự lơ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý, để sự việc dây dưa, kéo dài. Và nếu có xử lý thì biện pháp cũng không đủ sức răn đe, khiến cho những hành vi xấu tái diễn.
Thiếu ý thức thì phải giáo dục ý thức: nâng cao trình độ dân trí, ý thức sống văn minh, ý thức thượng tôn pháp luật. Đây là việc làm của nhiều cấp, ngành và rất lâu dài . Nhưng trước mắt cần tăng cường vai trò trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng. Phạt nặng và nghiêm các vi phạm. Và nên chăng, quy định trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình hình bê bối như kể trên, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và trừng phạt.
Dương Trọng Dật