“Nếu chỉ còn sống từng ngày…
Chúng tôi gặp Phạm Thị Huế (SN 1996, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vào một buổi chiều tà trong một quán cà phê nhỏ ngay trước cổng trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Đây là nơi cô nữ sinh quê lúa vừa hoàn thành xong khóa luận tốt nghiệp ngành Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm sau 4 năm theo học.
Gặp Huế chúng tôi khá bất ngờ, bởi nhìn bề ngoài Huế không giống một người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Huế có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khá nhanh nhẹn. Đặc biệt, trong suốt cuộc trò chuyện về căn bệnh hiểm nghèo Huế luôn tỏ ra lạc quan với nụ cười thường trực.
Huế cho biết, tháng 5/2012 khi còn là học sinh lớp 10 sau một thời gian ăn uống kém và bị mất kinh nguyệt 2 tháng, Huế đi khám tư nhân và phát hiện một khối u gan có kích thước 4x5cm. Ngay sau đó, Huế phải vào bệnh viện Việt Đức phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Bản thân Huế và gia đình đã nghĩ rằng chỉ cần mổ xong thì sẽ khỏi bệnh nhưng đau đớn chưa dừng lại ở đó. Ngay sau khi phẫu thuật, một tháng sau các bác sĩ thông báo phát hiện trong cơ thể Huế mang tế bào ung thư gan. Kể từ đó, cứ đều đặn 2-3 tháng em lại phải đi làm các xét nghiệm.
Sau 1 năm uống thuốc tại bệnh viện K1 (Bệnh viện K Trung ương cơ sở 1) bệnh tình không thuyên giảm Huế được chuyển sang bệnh viện K2 (Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) để tiến hành truyền hóa chất khi ở gan em lại phát hiện một khối u đầu.
Khi ở K2, em truyền hóa chất theo phác đồ 1 với 8 đợt thì hết tế bào ung thư. Nhưng chỉ 2 tháng sau, khi vừa biết được kết quả thi đại học Huế lại tiếp tục nhận được tin căn bệnh ung thư gan tiếp tục tái phát.
Sau đó, em tiếp tục được chuyển qua bệnh viện K3 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở Tân Triều) để điều trị khoảng vài phác đồ liên tiếp, bởi theo Huế nếu truyền thuốc vào cơ thể không đáp ứng thì phải chuyển sang pháp đồ khác. Càng thay đổi pháp đồ thì thuốc sẽ càng nặng lên và khi lên Hà Nội theo học Đại học Huế mới bắt đầu rụng tóc. Đây cũng là quãng thời gian Huế cảm thấy khó khăn nhất.
“Hồi bắt đầu bị bệnh em tiêm suốt, truyền xong 6 lần hóa chất của phác đồ 1 em cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến bệnh viện. Nó thật sự kinh khủng, em cảm thấy cơ thể rất mệt, không đủ sức tiếp tục, ăn rồi lại nôn ra. Phác đồ lúc ở bệnh viện K1 vẫn còn nhẹ, không rụng tóc.
Em cứ nghĩ là chỉ sau 6 lần truyền hóa chất ra viện là ổn định không phải vào bệnh viện nữa. Nhưng khi bệnh tái phát phải tiếp tục truyền phác đồ 2 hóa chất nặng hơn. Cứ hình dung mọi chuyện sẽ giống như phác đồ 1 là không rụng tóc.
Nhưng khi em vừa truyền hóa chất theo phác đồ tại bệnh viện K3 có 2 lần lúc chải đầu, chạm nhẹ thôi mà hết nửa mảng đầu. Lúc đấy em chui vào chăn khóc luôn và bắt đầu cảm thấy thực sự sợ hãi và nản lòng”, Huế rùng mình nhớ lại.
Trong suốt thời gian chống chọi với bệnh, Huế đã xạ trị tới 30 lần, phẫu thuật đến 3 lần tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai. Đau đớn là vậy nhưng chưa bao giờ em mất niềm tin vào cuộc sống. Đối với Huế, gia đình vẫn là nguồn cảm hứng và động lực lớn nhất.
“Trong suốt quá trình điều trị, nằm viện mẹ là người luôn đi cùng em, bởi một phần mẹ chăm sóc cho con gái dễ hơn. Khi quãng thời gian đầu bị bệnh mỗi lần lên viện khám hai mẹ con lại trở nhau xe máy từ Thái Bình lên Hà Nội. Dù vất vả như vậy nhưng mẹ luôn động viên em và chưa từng than thở bất cứ điều gì.
Em còn nhớ quãng thời gian đầu em rụng tóc, em đã từng ở lỳ trong nhà và khóc. Khi đó em trai của em đã nói một câu rằng “Chị khóc là mẹ cũng khóc đấy”. Ngay khi nghe em trai nói vậy là em tự nhủ bản thân không được khóc, phải mạnh mẽ vì em không muốn bố mẹ lo lắng, suy nghĩ về mình hơn nữa.
Từ lúc đó em đã nghĩ nếu chỉ nếu chỉ còn sống từng ngày, sao không sống vui vẻ. Vì vậy bây giờ em không nghĩ nhiều về bệnh tật mà chỉ sống sao cho thật thoải mái, lạc quan thôi”, Huế nghẹn ngào.
Huế cùng dàn diễn viên trong dự án cộng đồng “Hành trình Memento Mori, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống” |
Sau vài tháng nhập học, Huế cảm thấy tự lo được cho bản thân nên không phiền đến mẹ đưa đón nữa. Năm đầu, Huế trọ gần trường nên em đi bộ, còn nếu đi đâu xa thì Huế chọn phương tiện xe bus.
Ăn chay và ngồi thiền
Sau khi kết thúc đợt hóa trị cuối cùng tại bệnh viện K3, Huế ra viện theo học phương pháp ngồi thiền sinh học và ăn chay. Nhưng vào năm 2017, Huế được người thân giới thiệu sử dụng phương pháp điều trị cuối cùng là mổ Nút mạch gan tại bệnh viện Bạch Mai. Nhưng ngược lại với hy vọng của gia đình, sau khi thực hiện phẫu thuật khoảng 1 tháng khối u gan trước đó của Huế bắt đầu di căn.
Hiện tại, sau khi ra viện hơn 1 năm, khối u gan của Huế di căn và phát triển mạnh hơn nên em thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau kéo dài. Bụng Huế thường xuyên đau âm ỉ và mỗi tháng những trận đau khiến Huế không đi lại được là khoảng 2 – 3 lần.
“Mỗi lần em đau là không đi lại được luôn, khi đau em chỉ có thể nằm thẳng hoặc nằm nghiêng người. Khi đau mà muốn nghiêng mình sang phải hay ngồi dậy là phải có sự trợ giúp của mọi người vì quá đau. Mỗi lần đau như thế tầm khoảng 5 – 10 ngày. Có khoảng thời gian không chịu được em phải mua thuốc giảm đau bên ngoài”, cô gái nhỏ cho biết.
Khi được hỏi về việc sau quá nhiều lần mất hy vọng như vậy thì Huế có đau khổ hay tuyệt vọng không thì cô gái nhỏ nhẹ nhàng thủ thỉ: “Bây giờ, em gần như trai lì cảm xúc vì mình trải qua nhiều những lần hi vọng mà bệnh càng nặng nên cũng không nghĩ nhiều nữa.
Chỉ cần biết được ngày nào hay ngày ấy và sống vui vẻ lạc quan thôi. Giờ chỉ ngày nào không đau ngày nào thì vui ngày ấy thôi, nên bây giờ cứ ngày nào khỏe mạnh là vui ngày ấy rồi chứ không nghĩ quá dài. Em luôn suy nghĩ rằng nếu chỉ còn sống từng ngày, sao không sống vui vẻ”.
Cô gái có nhiều hơn một ước mơ
Khi tiếp xúc với Huế người đối diện sẽ bất ngờ với sự bình tĩnh và kiên cường đối mặt với “tử thần”. Nếu đa số những người mắc ung thư tâm lý chung sẽ thường tuyệt vọng và bế tắc cùng cực. Nhưng Huế lại không bao giờ chấp nhận mình rơi vào viễn cảnh ảm đạm đó, Huế chọn cách đối diện và chiến đấu với “án tử” bằng sự lạc quan và một tinh thần thép, ý chí sắt đá. Một trong những điều đó là bản thân Huế chưa bao giờ ngừng ước mơ và cố gắng trong học tập.
Với một niềm khao khát cháy bỏng là đi học đại học, mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn và sức khỏe Huế cũng không được tốt nhưng em vẫn thuyết phục bằng được bố mẹ cho đi học. Năm 2014, ngay khi nhận được kết quả trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp bố mẹ Huế đã ra sức can ngăn. Bởi bố mẹ Huế lo sợ con gái không đủ sức khỏe để theo học chương trình nặng của Đại học. Cùng với việc Huế đi học xa nhà, một thân một mình nơi đất khách quê người.
Nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm ở Huế, bố mẹ em cũng không cấm cản nữa. Huế cười nói: “Em thường xuyên phải xin phép nghỉ học để đến bệnh viện. Thầy cô và các bạn biết bệnh nên cũng rất thông cảm và thường xuyên chia sẻ, động viên em. Vì thế nên em có thêm động lực để vượt qua những cơn đau về thể xác và tinh thần để nỗ lực hơn trong học tập”.
Ngành học mà Huế lựa chọn là Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Nông nghiệp. Khi được hỏi vì sao lựa chọn ngành học này, Huế cho biết: “Ban đầu em định lựa chọn thi đại học Y Hà Nội vì muốn trở thành bác sĩ để điều trị bệnh cho các em nhỏ nhưng sau đó em sợ không đủ điểm nên đành thôi.
Nhưng em được các thầy cô giảng về nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bệnh ung thư là do thực phẩm. Vì vậy em muốn đi học ngành này để mình có điều kiện nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, để sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng tránh tối đa bệnh tật. Đặc biệt là căn bệnh ung thư”.
Vết bầm, thâm tím trên tay Huế khi trải qua 30 lần xạ trị |
Được hỏi về mong muốn sẽ được làm việc tại đâu nếu điều kiện sức khỏe cho phép, Huế bày tỏ “Nếu có cơ hội em mong muốn được làm trong Cục an toàn thực phẩm hoặc các đơn vị kiểm soát thực phẩm”.
Đã gần 7 năm kể từ khi Huế phát hiện khối u ở gan, đó là khoảng thời gian khó khăn nhưng Huế vẫn hoàn thành những việc như bao bạn trẻ bình thường khác: tốt nghiệp THPT, vào đại học và tốt nghiệp đại học,tham gia những hoạt động cộng đồng…
Không dừng lại ở đó, cô nữ sinh Thái Bình còn ấp ủ niềm đam mê làm diễn viên mặc dù chưa từng tham gia lớp diễn suất nào. Và may mắn cho Huế khi vào tháng 7 vừa qua, em nhận được lời mời tham gia dự án một dự án cộng đồng "Hành trình Memento Mori, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống", do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ thực hiện.
Trong vở kịch, Huế đóng vai Liên có nhiều hoài bão, ước mơ nhưng bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy. Em đã thể hiện vai nhân vật Liên bằng tất cả những trải nghiệm từ cuộc đời mình. Nhớ lại lần đầu khi đến thử vai diễn Huế vẫn còn cảm thấy run, “ Em chưa diễn bao giờ và em cũng không biết phải làm gì, em cứ nghĩ đến là chỉ đạo diễn nhìn mặt rồi nói chuyện vài câu là xong. Nhưng đến nơi đạo diễn cho em đọc một đoạn trong cuốn sách rồi diễn theo đó, lúc đó em cũng diễn theo bản năng thôi chưa được một phút thì đạo diễn đã khóc rồi.
Anh ấy đã cảm nhận được em là người đã trải qua giống như nhân vật đó, thấy được cảm xúc khi em diễn. Lúc đó hơn năm sáu nghìn người thì chọn ra được 10 người và em may mắn được đạo diễn chọn”, Huế nói trong niềm hạnh phúc. Huế cảm thấy ý nghĩa khi được kể để mọi người hiểu về người mắc bệnh ung thư, những điều họ cần trên hành trình gian nan đi cùng bệnh tật cho đến khi giã biệt thế giới. Và khi tham gia dự án, Huế thấu hiểu được ý nghĩa sinh tử.
Cũng như bao cô gái khác ở độ tuổi đôi mươi Huế cũng thích được đi du lịch, muốn đi thật nhiều nơi, Huế cũng thích làm người mẫu muốn đi chụp ảnh. Huế muốn lưu lại từng khoảnh khắc những kỉ niệm mình đang sống. “Khi em gặp lại bác sĩ, bác sĩ cũng khá bất ngờ, so với các bệnh nhân khác thì em đã là một kì tích rồi”, Huế chia sẻ.
Mỗi ngày Huế đều đã sống đủ với những trải nghiệm học hành, yêu thương, đóng góp cho cộng đồng... Cuộc sống luôn tồn tại những phép màu đặc biệt khi chúng ta có niềm tin. Và niềm tin vẫn được Huế giữ gìn trong suốt gần 7 năm qua. Ý chí và nghị lực, lạc quan và kiên cường luôn là điều kiện cần cho một cuộc đời ý nghĩa của mỗi người.