Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Phạm Văn Khuông (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang). Hai người này bị xét xử về tội “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Liên quan tới vụ án, Tòa cũng đưa bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương là trưởng phòng và phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Giang , Triệu Thị Chính (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) ra xét xử tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Theo hồ sơ vụ án, các bị cáo đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để thực hiện hành vi sửa bài thi, nâng điểm cho 107 thí sinh.
Cụ thể, Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh. Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi của thí sinh nhưng đã đưa danh sách 93 thí sinh cho Lương để sửa chữa, nâng điểm…
Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội… Trong đó, có thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm, thí sinh được nâng ít nhất 2,2 điểm.
Theo cáo trạng, Phạm Văn Khuông đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai để có thể tốt nghiệp và đạt nguyện vọng vào trường Đại học Y Thái Bình. Vài ngày sau, Khuông nhận được điện thoại của Chính hỏi số báo danh của con trai Khuông.
Kết quả, con trai Khuông được nâng 13,3 điểm. Phạm Văn Khuông cũng là phụ huynh duy nhất bị lộ mặt trong số các phụ huynh có con được nâng điểm…
Trong phần thủ tục, do vắng mặt một số người làm chứng nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.
Phiên tòa được mở lại vào ngày 14/10.