Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thăm và hỗ trợ hộ gia đình có nhà bị sập tại huyện U Minh. |
Tại các điểm đến, ngày 31/7, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện U Minh và Trần Văn Thời nhanh chóng triển khai nguồn nhân lực và vật lực để tập trung hỗ trợ những hộ dân có nhà sập và tốc mái, trong trường hợp cần thiết phải hỗ trợ cả thợ xây và lương thực để người dân sớm sửa chữa lại nhà ở. Đối với các chủ nhà bị sập, cần tận dụng lại những đồ vật còn sử dụng được, gia cố lại làm chỗ ở tạm, sau đó tính đến chuyện xây nhà mới…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau động viên và mong muốn bà con sớm khắc phục hậu quả do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2 gây ra, lưu ý với các hộ bị ảnh hưởng khi gia cố, xây dựng nhà cần chú ý đến việc ứng phó với lốc xoáy, bão có thể xảy ra trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao tiền hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình có nhà bị sập 5 triệu đồng và mỗi hộ gia đình có nhà bị tốc mái 3 triệu đồng.
Nhiều căn nhà bị sập hoàn toàn và bị tốc mái do hoàn lưu bão số 2. |
Sáng cùng ngày, ông Huỳnh Minh Nguyên - Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, huyện đã thành lập các đoàn đi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân trên địa bàn bị thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng mưa kèm giông lốc.
Chính quyền huyện cũng vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm cho người dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng công an, xã hội, đoàn viên...
Trước đó, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 kéo theo mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm 3 người trên địa bàn huyện U Minh bị thương phải đưa đi điều trị. Mưa giông còn kéo sập và tốc mái 89 căn nhà, trong đó có 40 căn sập hoàn toàn và 49 căn bị tốc mái, ước tính thiệt hại hơn 5,6 tỷ đồng.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nhà sập và tốc mái nhiều như: xã Khánh Thuận có 49 căn, thị trấn U Minh có 33 căn. Mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng về sản xuất: nhiều cây chuối, keo lai bị đổ ngã.
Tại huyện Trần Văn Thời, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 57 căn của người dân, trong đó có căn 5 sập hoàn toàn và 52 căn bị tốc mái, ước tính thiệt hại gần 507 triệu đồng. Đồng thời, huyện đã tiến hành hỗ trợ nhanh cho các trường hợp trên với số tiền hơn 45 triệu đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vụ lúa Hè Thu năm nay có một số nơi bị ảnh hưởng nặng, lúa không thể phát triển theo thời vụ, trong khi đó chi phí làm ruộng đã chi khá cao...
Lực lượng đoàn viên, Công an xã, dân quân tự vệ hỗ trợ dân khắc phục hậu quả giông lốc trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, những ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu Bão số 2, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 4 người bị thương, thiệt hại 347 căn nhà, trong đó sập 70 căn, tốc mái và hư hỏng 277 căn, cùng với đó là nhiều cây xanh, trụ điện bị ngã, đổ, ước tổng thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các hình thức thiên tai cực đoan đã làm sập, tốc mái gần 1.000 nhà dân ở Cà Mau. Cơ quan chức năng tỉnh này khuyến cáo, tình hình thời tiết vẫn có thể tiếp diễn phức tạp trong mùa mưa này, người dân cần chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa; khu vực ven biển, các cửa biển có nguy cơ ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Người dân cần cảnh giác, di dời, bảo vệ tài sản để tránh thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với các đơn vị, đoàn thể, UBND huyện, thành phố Cà Mau rà soát danh sách các hộ dân có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai, thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người bị thương, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống ngay sau khi bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thông báo đến các ngành, các cấp có liên quan về diễn biến thiên tai, cảnh báo nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra và biện pháp phòng, tránh, ứng phó, tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi. Trong trường hợp phát sinh thiệt hại về sản xuất, thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai đúng trình tự thủ tục theo quy định.
“Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau theo dõi sát diễn biến thiên tai, không được chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong những ngày nghỉ, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.