Theo AFP, ADB cho rằng, dựa trên 1 loạt các kịch bản khác nhau, tác động ước tính của đại dịch tới nền kinh tế toàn cầu có thể tương đương với gần 5% sản lượng sản xuất của toàn thế giới.
Các dự báo của ADB được đưa ra dựa trên kịch bản giả định rằng sự bùng phát dịch Covid-19 sẽ được ngăn chặn trong năm nay và trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021.
Tuy nhiên, thiệt hại từ “đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ” này có thể còn cao hơn. “Tác động ước tính có thể vẫn là thấp vì các kênh bổ sung như khủng hoảng tài chính và xã hội có thể xảy ra và các tác động lâu dài đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục đã được loại trừ khỏi phân tích”, ADB cho biết.
ADB cũng cho rằng vẫn có khả năng dịch bệnh sẽ bùng phát thêm và mức độ nghiêm trọng của đại dịch vẫn chưa chắc chắn.
“Kết quả có thể tồi tệ hơn dự báo và tăng trưởng có thể không phục hồi nhanh chóng”, ADB cảnh báo.
Theo ADB, thời gian ngăn chặn đại dịch ngắn hơn có thể giúp giảm thiệt hại do dịch bệnh tới 2 nghìn tỷ USD.
Tính đến ngày 2/4, các số liệu thống kê chính thức cho thấy số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã vượt mốc 1 triệu ca và hàng chục ngàn người đã tử vong do dịch.
Những con số này được cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh.
Với hàng tỷ người đang bị cách ly và các nền kinh tế rơi vào bế tắc, ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á được dự báo sẽ chỉ đạt tăng 2,2% trong năm nay, là tốc độ chậm nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Tăng trưởng ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực - có thể chậm lại ở mức 2,3% trong năm nay so với 6,1% vào năm 2019, trước khi hồi phục vào năm 2021.
Theo dự báo của ADB, gần 5%, tương đương 630 tỷ USD GDP của Trung Quốc có thể bị mất trong năm nay.