AFP dẫn nghiên cứu cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, số vụ thiên tai đã tăng 46%, trong đó chỉ trong năm 2016 đã ghi nhận 797 vụ thời tiết cực đoan. Những vụ thiên tai đó đã dẫn tới thiệt hại kinh tế lên đến 129 tỉ USD, tương đương ngân sách của Phần Lan. Thiệt hại này mới chỉ là tổn thất về tài sản vật chất, chưa bao gồm giá trị kinh tế liên quan đến những trường hợp tử vong, bị thương hoặc bị bệnh do các vụ thiên tai cực đoan gây ra.
Báo cáo do các chuyên gia từ 24 tổ chức học thuật và các cơ quan liên chính phủ như Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức địa chất thế giới soạn thảo cũng cho biết sự gia tăng các thiên tai xảy ra trong thời gian qua chưa được chỉ rõ là do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay đã có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang thay đổi mức độ nghiêm trọng và thường xuyên của các hiện tượng thời tiết cực đoan ra sao. Do đó, các tác giả báo cáo cho rằng, trong tương lai, không nghi ngờ gì về việc biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão nhiệt đới, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn trên khắp thế giới.
Các tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nước nghèo bị tổn hại nặng nề về tài chính do các hiện tượng khí hậu cực đoan. Theo đó, tổn thất do các hiện tượng thời tiết kỳ lạ gây ra với các nước này trong năm 2016 đã cao hơn 3 lần so với năm 2010 và lớn hơn nhiều so với các nước nghèo nếu tính theo tỉ lệ trên GDP. Tại các nước có thu nhập cao, khoảng 1 nửa số thiệt hại kinh tế do thiên tai được bảo hiểm nhưng tại các nước nghèo, số tài sản được bảo hiểm thiên tai chỉ chiếm chưa đến 1%. “Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn tới mùa màng vì nhiệt độ tăng thêm mỗi 1 độ C sẽ khiến tổng diện tích trồng lúa mỳ toàn cầu giảm 6%, diện tích trồng gạo giảm 10%”, Tạp chí The Lancet nhận định và cảnh báo về khả năng nạn đói gia tăng.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, kể từ năm 2000 đến nay, nhiệt độ tăng đã giảm khoảng 5,3% năng suất lao động của nhóm những người lao động ngoài trời. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người về lâu dài. Trong đó, những người nghèo và người già là nhóm người bị đe dọa nhất do việc biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. Dựa trên 40 chỉ số, nghiên cứu khẳng định những biểu hiện của biến đổi khí hậu trên con người là rõ ràng và không thể đảo ngược. Theo báo cáo, trong khi tỉ lệ các bệnh khác giảm thì số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ kể từ năm 1990 cho đến nay. Trong năm 2013, trên toàn thế giới ghi nhận 58,4 triệu ca mắc bệnh và 10.000 người đã tử vong.
Theo ông Frumkin – cựu giám đốc về sức khỏe môi trường tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân vì nó tạo nơi trú ẩn và giúp vật trung gian truyền bệnh là muỗi sống lâu hơn. “Trên thực tế, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa sự gia tăng bệnh thận mãn tính, mất nước và biến đổi khí hậu”, các tác giả nghiên cứu cho hay.
Báo cáo nhấn mạnh trong giai đoạn 2010-2016, số người dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bao gồm những người trên 65 tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính, đã tăng thêm khoảng 125 triệu người. Dù vậy nhưng các chuyên gia cũng cho rằng cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để làm rõ tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe.