Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) hôm qua, 17/5, cho biết, doanh số bán hàng của các thành viên trong VAMA trong 4 tháng đầu năm đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong tháng 4. Với việc sụt giảm doanh số hơn 21.000 xe so với cùng kỳ năm 2011, ngân sách bị thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 290 triệu USD.
Ảnh minh họa. |
“Ngành công nghiệp ô tô đang ở trong tình trạng báo động Tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và của các đại lý đang ở mức rất cao làm cho các nhà sản xuất, lắp ráp đang thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm sản xuất...”- ông Laurent Charpenter, Chủ tịch VAMA, cho biết.
Mặc dù từ chối đưa ra con số tồn kho và tình hình sản xuất của các DN trong VAMA cũng như bản thân Cty Ford Việt Nam (ông Laurent Charpenter là Tổng giám đốc Cty Ford Việt Nam) song báo cáo của VAMA cho biết, tình hình sụt giảm trông thấy ngay từ những tháng đầu năm.
Nếu như tháng 12/2011, các thành viên của VAMA đặt doanh số bán hàng kỷ lục 10.936 xe (do tâm lý mua xe “chạy” phí trước 1/1/2012) thì thàng 1/2012, con số này chỉ còn 4.217 xe, tháng 2/2012 nhích lên 6.149 xe, tháng 3/2012 là 7.732 xe và tháng 4 chỉ còn 6.004 xe.
“Nếu lấy doanh số bán xe của tháng 4 làm phép tính cho cả năm 2012 thì con số cả năm là 81.000 xe, thấp hơn cả năm 2007. Trong khi đó, cuộc họp đầu năm của VAMA dự báo doanh số năm nay khoảng 130.000 – 140.000 xe...”- ông Laurent Charpenter nói.
Qua 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng của VAMA đã sụt giảm 21.331 xe so với cùng kỳ năm 2011. Nếu tính trung bình khoảng 500 triệu đồng/xe con thì VAMA dự báo nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 290 triệu USD), bao gồm thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB, lệ phí trước bạ tính trung bình 15%.
Theo VAMA, mức thu lệ phí trước bạ 15- 20% ở Hà Nội và TP. HCM là mức quá cao, còn phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ GTVT đề xuất cũng ở mức rất cao so với đại bộ phận khách hàng có thể chi trả.
“Đây là điều Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc vì đề xuất thu phí sẽ làm ngân sách thất thu một khoản khá lớn so với số phí thu được”- ông Laurent Charpenter cảnh báo.
VAMA cũng dự báo, nều không có đề xuất thu phí thì đến năm 2020 sản lượng ô tô sẽ là 402.000 xe, nhưng với đề xuất thu phí thì con số này chỉ còn 179.000 xe. Điều nay không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mà tính dài hơi hơn, ngân sách nhà nước cũng thất thu khoảng 12 tỷ USD.
“Chúng tôi được biết, Bộ Công thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Vậy đề xuất thu phí của Bộ GTVT là như thế nào?”- ông Laurent Charpenter tỏ ra nghi ngờ.
Một lãnh dạo của VAMA tham gia cuộc họp cũng tỏ ra ngán ngẩm khi cho biết điều các DN cần nhất là môi trường và chính sách ổn định, rõ ràng, thề nhưng mới mấy tháng đầu năm các DN ô tô đã phải chứng kiến một loạt những bất ổn về chính sách, đầu tiên là tăng lệ phí trước bạ, rồi cấm đỗ xe một loạt tuyến phố, rồi đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân...
“Vừa rồi lũ lụt ở Thái Lan, chúng tôi đã nghĩ đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà sản xuất linh kiện, thế nhưng với những bất ồn chính sách như vậy liệu có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm...”- vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, hôm 3/5, VAMA có văn bản kêu lên Văn phòng Chính Phủ và Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan này hủy bỏ phí hạn chế phương tiện cá nhân đang đề xuất; giảm lệ phí trước bạ xuống 5% áp dụng đồng đều trên cả nước; giảm thuế GTGT, TTĐB, TNDN để thúc đầy tiêu dùng.
“Chỉ cần thực hiện ngay 2 đề xuất đầu, thị trường ô tô sẽ lấy lại mức tăng trưởng trung bình 5- 10%, tăng thu ngân sách, từ đó có nguồn hạ tầng để xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng...”- ông Laurent Charpenter quả quyết. Vị chủ tịch VAMA cũng lưu ý thời gian không còn nhiều vì đến năm 2018 Việt Nam phải thực hiện cam kết APTA đầy đủ, thuế nhận khẩu ô tô sẽ là 0%...
Thanh Lan