Một tướng cướp lừng danh hàng chục năm tung hoành khắp Nam Kỳ và cả Campuchia. Nhà cầm quyền Pháp bao nhiêu lần truy bắt nhưng y đều vượt thoát trong gang tấc. Giới giang hồ khiếp sợ vì tin rằng Đơn Hùng Tín đã luyện thành Thiên thư bí quyết trên núi Tà Lơn nên súng bắn không lủng, dao đâm không đứt.
Súng bắn vào người trong lễ Xuất sơn?
Trong thời Pháp thuộc khoảng đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp và giới quan chức điền chủ giàu có ở Nam Kỳ phải nhiều phen khốn đốn với kẻ cướp bất trị xưng danh là Đơn Hùng Tín. Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tín, quê gốc Cao Lãnh (Đồng Tháp), thuở nhỏ ham luyện tập võ nghệ bùa chú. Đến tuổi thanh niên, Tín lên núi Cấm (Thất Sơn, An Giang), rồi qua núi Tà Lơn (Bokor, Campuchia, là hòn núi có nhiều hang động linh thiêng huyền bí) học võ và bùa.
Toàn cảnh núi Cấm, nơi được xem là thiêng liêng hiểm địa. |
Người ta đồn rằng, mỗi sáng sớm Tín cầm một cây nhang mồi lửa, chạy thắp nhang cả trăm cái am trên sườn núi. Phải chạy thật nhanh mới thắp nhang giáp một trăm cái am trước khi cây nhang mồi lửa tàn. Nhờ vậy mà Đơn Hùng Tín chẳng những chạy nhanh, còn có tài leo chuyền từ nhánh cây này sang nhánh cây khác.
Sau màn đốt nhang, Tín ngâm mình dưới suối, nhìn thẳng vào mặt trời từ lúc mới mọc cho đến khi nắng gắt để luyện mắt. Nhờ vậy mà cặp mắt sáng như sao, có thể lặn hụp dưới sông cả ngày không thấm lạnh.
Không chỉ giới giàu có sợ Tín, trong giới anh chị giang hồ thảo khấu nghe tới Đơn Hùng Tín đều nể trọng vì Tín đã có được kỳ duyên, được các vị thánh tiên ở núi Tà Lơn truyền dạy và tu luyện đắc thành Thiên thư bí quyết (quyển sách linh thiêng dạy những quyền năng đặc biệt mà ai cũng nghe nói, thèm muốn nhưng chưa ai nhìn thấy).
Trước ngày xuất sơn và xưng danh Đơn Hùng Tín, Tín đã mời giới tu sĩ, các anh chị lục lâm từ Thất Sơn đến Tà Lơn tụ tập về để xem thử phép gồng, đạn bắn không lủng. Trước mặt đám đông, Tín trao cây súng mút cơ tông thật và mấy viên đạn thật cho mọi người xem, đứng ưỡn ngực thách thức mọi người bắn vào người. Súng nổ chát chúa, Tín vẫn đứng tỉnh rụi, há miệng nhả ra đầu viên đạn vừa bắn.
Từ đó danh tiếng Đơn Hùng Tín nổi như cồn. Thời đó, Thất sơn còn hoang vu hiểm địa, riêng núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm sơn, lại càng kỳ bí. Theo giáo lý và các bài kệ, sấm của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên thì nơi đây sẽ là nơi diễn ra ngày hội Long Hoa (tương tự như ngày tận thế hoặc ngày phán xử cuối cùng của Thiên Chúa giáo). Đơn Hùng Tín đã chọn núi Cấm để lập bản doanh, khắc trên một cửa động hai câu đối: "Trước ba quân thêm rạng chí tang bồng/ Sau Bảy Núi chẳng nao lòng tuấn kiệt".
Cướp vàng nhà thầy cai, cho vàng ghe làm mắm
Cách đánh cướp của Đơn Hùng Tín cũng rất đặc biệt, thông báo trước cho khổ chủ ngày giờ địa điểm và số tiền vàng cần lấy. Nếu gia chủ khôn ngoan đáp ứng thì Tín vui vẻ ra đi. Nếu có phòng bị, chống đối hoặc báo với chính quyền giăng bẫy, thì vẫn bị cướp tài sản, mà còn thiệt hại nhân mạng.
“Thiên Thư bí quyết” chỉ là sách ảo thuật. Theo lý giải của nhà văn Sơn Nam, “Thiên Thư bí quyết”, chỉ là sách dạy ảo thuật của một người đồng hội đồng thuyền với Đơn Hùng Tín, tên là Giáo Phép. Việc súng bắn không chết chỉ là kỷ xảo do đầu viên đạn bắn ra làm bằng sáp, còn đầu viên đạn trong miệng Đơn Hùng Tín nhả ra đã được ngậm từ trước. Việc chính quyền Pháp nhiều lần bắt hụt Đơn Hùng Tín có thể là do tình cảm che chở của người dân, do huyền thoại cướp của người giàu chia cho người nghèo. Điều đáng nói là như một định mạng, tướng cướp Đơn Hùng Tín cuối cùng vẫn bị giết do một đàn em phản bội. |
Một tài liệu ghi lại lời của nhạc sĩ Đắc Nhẫn (từng là thầy giáo ở Ô Môn) kể về một vụ “ăn hàng” của Tín ở nhà một cai tổng như sau:
“Hôm ấy thầy Cai làm lễ thành hôn cho con. Các quan chức hội tề, các điền chủ các làng đều tới chung vui. Đây cũng là dịp mấy bà khoe của, ai cũng đeo vòng vàng đầy cổ tay. Khách khứa bắt đầu nhập tiệc. Bỗng dưới bến sông có tiếng máy hát giọng truyền cảm của cô Tư Sạn vọng lên lảnh lót:
“Con ơi, tháng Chạp tới đây là ngày con được ghi vào sổ nhân duyên, trên cung đàn nhấn phím tơ loan đàn bản cầm sắt cho duyên hai con bền chắc... ". Thời đó phải là người giàu có lắm mới sắm nổi máy hát, cái máy hát là cả gia tài để giấu ở trong nhà, hiếm ai dám mang đi dọc đường sông nước.
Thầy Cai lật đật bước ra hàng ba đón khách quý. Một chiếc ghe hầu cập bến. Một vị khách ung tự giới thiệu: “Tôi là hương cả làng A tới chia vui". Theo sau là người chèo ghe khệ nệ bưng một mâm phủ vải đỏ lên nhà.
Khách lạ mở khăn nhiễu điều nói: “Xin thầy Cai nhận cặp rượu sâm banh với hai gói trà Ô Long Kỳ Chưởng gọi là chút quà mọn.”
Thời đó, Sâm banh là rượu đắt tiền, chỉ có Tây đầm và dân sang mới dám dùng, thầy Cai hớn hở mời khách nhập tiệc.
Rượu được vài tuần, thầy Cai và thông gia đưa chàng rể và cô dâu chào bà con hai họ và thân bằng quyến thuộc, đây cũng là lúc để khách tặng bao thư giúp vốn cho cặp vợ chồng trẻ "ra riêng".
Đúng vào lúc đó ông hương Cả mới giới thiệu lại mình là Đơn Hùng Tín. Trước họng súng, tất cả các bà đều riu ríu lột hết vòng vàng, cà rá, bỏ vô chiếc khay mà người chèo ghe cầm, tiền mừng cưới cũng bỏ hết vô đây. Tín ung dung từ biệt hai họ, nhổ sào chống ghe hầu ra đi”.
Nhiều người lại kể chuyện Tín rất hào hiệp với người nghèo. Lúc Pháp đang giăng lưới hai bên bờ sông Hậu, Tín đang ngao du trên Biển Hồ. Nơi đây có nhóm người Việt làm nghề cá mắm. Tín chận một thuyền câu xin ngủ nhờ qua đêm để dò hỏi tình hình.
Nghe gia đình này nghèo không có tiền cưới vợ cho con, Tín nói: “Ở hiền thì gặp lành". Sách có chữ "hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân". Tưởng ông khách nói đẩy đưa an ủi, nhưng sáng hôm sau, khi Tín đã đi, vợ chồng chủ ghe thấy một đôi xuyến vàng nhét dưới mí chiếu.
Huyền thoại chưa chấm dứt
Theo tài liệu của Pháp, Đơn Hùng Tín bị giết trên sông Tiền, đoạn giữa Mỹ Tho và cù lao Rồng. Do một đàn em phản bội, chỉ điểm, Pháp đem quân bao vây bắn chết.
Điện Tứ Giao, một hang trong núi Tà Lơn |
Có người cho rằng, Pháp sợ bắn không chết nên phải phóng lửa đốt ghe của Tín. Nhưng một nhân chứng trong vụ việc là học giả Vương Hồng Sến, công chức Pháp thời đó, là nhân chứng vụ việc đã kể lại như sau:
"Năm đó tôi đổi về làm việc tại Mỹ Tho. Có tin giật gân là Đơn Hùng Tín bị lính bao vây bắn chết ở một chợ nhỏ. Chiếc ghe lườn của ông bị nhà chức trách tịch thu sau khi cho chôn xác kẻ vô thừa nhận. Sau đó nhà nước quyết định bán đấu giá chiếc ghe này để sung vô công quỹ. Tôi có nhiệm vụ đảm trách bán đấu giá chiếc ghe này. Tất nhiên là tôi xuống ghe, đi từ mũi tới lái để ước lượng giá trị của nó. Chuyện xảy ra quá lâu, tôi không còn nhớ rõ giá bán được bao nhiêu, chỉ biết là bán "rất được giá". Là một công chức, tôi rất hài lòng đã đem về cho công quỹ một số tiền lớn. Nhưng thời gian sau tôi mới biết mình bán hớ.”
Theo nguồn tin đáng tin cậy thì người đấu gía biết bí mật của chiếc ghe nên mới quyết tâm đấu giá cao: Đơn Hùng Tín đã giấu vàng lá trong ghe. Giấu ở đâu thì tôi không biết. Chuyện tìm ra vàng lá phải là dân chuyên môn như các cha hải quan tại nơi hành sự".
Tuy vậy, có người vẫn tin rằng Đơn Hùng Tín đã luyện được Thiên Thư bí quyết thì không thể chết. Xác chết là người giả theo kế “kim thiền thoát xác”, còn Đơn Hùng Tín Thật vẫn đang rong chơi ở Biển Hồ.
Dân gia còn một bài thơ được cho là của Tín tỏ lòng tâm sự và hối tiếc cuộc đời dọc ngang của mình đã gây ra: “Tôi bị trong vòng lửa đốt thiêu/ Vì chưng sát mạng quá nên nhiều/ Biển Hồ tướng cướp oai lừng lẫy/ Thọ thủy máu oan chảy đỏ điều/ Của bất nghĩa nuôi quân bạc nghĩa/ Lương vô uyên dưỡng lũ ma yêu/ Mang danh bạc ác đầy dương thế/ Thác xuống Diêm cung tội nặng triều”.
Song Lê