Cá tay trơn được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1800 trong một cuộc thám hiểm khoa học, nhưng vì sống ở tầng đáy, chúng khó sống sót trong điều kiện nuôi nhốt, chỉ có thể sống ngoài tự nhiên. Điều đặc biệt ở 14 loài cá này là chúng không có bong bóng giúp kiểm soát lực nổi để bơi trong nước. Thay vào đó, vây trước bằng phẳng cho phép chúng sử dụng như bàn chân để đi bộ dưới đáy biển.
Đặc biệt là vậy nhưng loài cá này đã tuyệt chủng trong cuộc sống hiện đại, khi công cụ đánh bắt cá càng phát, rồi những ngành công nghiệp hóa đại dương từ đánh bắt, khai thác, thăm dò dầu khí, vận chuyển và phát triển cơ sở hạ tầng đều dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao đối với động vật hoang dã (ĐVHD) nơi đại dương. Rất nhiều loài có thể sẽ tuyệt chủng trước khi loài người kịp nghiên cứu và hiểu về vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Đơn cử như cá tay trơn, tuy thống kê 14 loài nhưng đến nay con người mới chỉ tìm hiểu được 4 loài.
Mẫu vật cá tay trơn duy nhất mà con người thu thập từ chuyến thám hiểm vào đầu những năm 1800. Ảnh Bộ sưu tập cá quốc gia Úc. |
Nhiều loài động vật biến mất hoặc mất môi trường sống
Từ câu chuyện về sự biến mất của loài cá tay trơn nói trên có thể thấy, thực sự thiên nhiên đang “rơi tự do” vì lối sống của con người. Chỉ số Hành tinh Sống (LPI) của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) gần đây cho thấy quy mô động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016. Thống kê này được đưa ra sau nghiên cứu quan sát gần 21.000 quần thể trên 4.000 loài động vật có xương sống toàn thế giới trong gần 50 năm qua.
Các báo cáo của WWF cho thấy các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay bao gồm: Khỉ đột tại Vườn Quốc gia Kahuzi-Biega (Cộng hòa Dân chủ Congo) đã giảm 87% từ năm 1994 đến năm 2015 do nạn săn bắn trái phép; vẹt xám châu Phi ở tây nam Ghana hầu như đã bị xóa sổ do con người đặt bẫy buôn bán chim hoang dã, mức giảm 99% từ năm 1992 đến năm 2014; các quần thể động vật hoang dã trong môi trường sống nước ngọt đã giảm 84%, là mức giảm đáng kể nhất trong bất kỳ quần xã sinh vật nào, tương đương với 4% mỗi năm kể từ năm 1970...
Báo cáo của Hiệp hội Động vật học London (ZSL) cũng thông tin về sự liên quan của việc nhiều loài động vật biến mất hoặc mất môi trường sống với khả năng xuất hiện ngày càng nhiều các loại virus chết người. Những yếu tố này đều liên quan đến các hoạt động của con người, bao gồm việc chuyển đổi rừng thành trang trại, nhà ở; sự bùng nổ buôn bán ĐVHD; hoạt động đánh bắt quá mức; các mối đe dọa từ các loài xâm lấn và dịch bệnh; ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Tiến sĩ Andrew Terry - Giám đốc của ZSL cho biết, nếu loài người không có biện pháp gì thay đổi thì các quần thể tự nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, khiến động vật hoang dã tuyệt chủng và đe dọa tính toàn vẹn của các hệ sinh thái mà tất cả chúng ta đang phụ thuộc. Không chỉ gây mất cân bằng sinh thái, việc phá hủy thiên nhiên hoang dã cũng đang đưa con người đến gần hơn với động vật hoang dã, thúc đẩy sự gia tăng các đại dịch toàn cầu như Covid-19.
Số lượng động vật hoang dã trên thế giới giảm gần 70% sau 50 năm. |
Đã đến lúc thay đổi nhận thức về thế giới hoang dã
Động, thực vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên và có vai trò quan trọng với đời sống con người. Từ 200 đến 350 triệu người trên thế giới sống trong hoặc quanh các khu rừng trên thế giới và phụ thuộc và các dịch vụ sinh thái mà rừng và các loài sinh vật đem lại, phục vụ cho nhu cầu sinh kế và các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nơi trú ẩn, năng lượng và dược phẩm.
Mỗi loài hoang dã đều góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên, từ đó hỗ trợ ngăn chặn thảm họa thiên nhiên và điều tiết môi trường. Nhiều loài có khả năng chỉ thị môi trường như chim hoang dã sẽ chọn nơi trong lành để sinh sản, kiếm ăn đúng với câu nói “đất lành chim đậu”. Ngược lại, nếu chim hoang dã đã từ bỏ một điểm đến quen thuộc, nghĩa là khu vực này có thể đang chịu tác động của biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường. Do đó, khi một loài biến mất sẽ phá vỡ thế cân bằng, tạo phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến các loài khác, bao gồm cả con người.
Trong quá khứ, ĐVHD thường bị coi là nguồn thức ăn, thuốc đông y hoặc các món đồ có tác dụng tâm linh, trừ tà. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD không mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, thậm chí còn có nguy cơ gây ra các đại dịch nguy hiểm như Ebola, HIV, SARS và gần đây nhất là dịch bệnh Covid-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ ĐVHD.
Chính vì vậy, con người cần nhìn nhận ĐVHD là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái và bảo vệ ĐVHD cũng là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình. Khi ĐVHD dần tuyệt chủng, cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa do bệnh tật, thiên tai hoặc biến đổi khí hậu.
Tổ chức WWF hiện đang kêu gọi các quốc gia có biện pháp ngăn chặn các chuỗi cung ứng thực phẩm và các sản phẩm khác để giảm nạn phá rừng và phá hủy các khu vực hoang dã; đồng thời khuyến khích mọi người chuyển từ chế độ ăn nhiều thịt và sữa sang chế độ ăn dựa trên thực vật nhiều hơn. Theo Tổ chức WWF, các nỗ lực để đảo ngược sự suy giảm số lượng các loài sẽ không dễ dàng, nhưng hành động này phải được thực hiện khẩn cấp để đảo ngược tình trạng “rơi tự do” vào năm 2030. Thực hiện những hành động này không chỉ hỗ trợ bảo vệ sự sống của ĐVHD mà còn bảo vệ sức khỏe và sinh kế trong tương lai của chúng ta khi mà sự sống còn của loài người ngày càng phụ thuộc vào nó.
Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật cùng các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật. Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2020 vừa qua đã có hơn 1.100 cá thể ĐVHD được cứu hộ, tịch thu và tự nguyện chuyển giao đến trung tâm cứu hộ. Trong đó, 436 cá thể chim, 362 cá thể rùa, 120 cá thể khỉ, 15 cá thể rùa biển và nhiều loài ĐVHD khác.
Đối với thực vật hoang dã, các công tác bảo tồn cũng được triển khai và thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt trong việc bảo tồn rừng, mô hình bảo vệ rừng kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều địa phương. Kết quả là chất lượng rừng nhiều nơi đã được nâng cao, nhiều loài thực vật quý hiếm được phục hồi, mang lại hy vọng bảo tồn mới. Đơn cử như, trong năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển các loài động vật, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội” với ngân sách hơn 28 tỷ đồng. Đề án này nhằm đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật quý hiếm trên địa bàn cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn động, thực vật quý hiếm. Cũng trong năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã bảo tồn thành công hai loài thông quý hiếm là thông Pà Cò và thông Đỏ Bắc. Nếu như thông Pà Cò là cây gỗ có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trong ngành xây dựng thì thông Đỏ Bắc là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư…
5 hành động của con người “giết chết” thiên nhiên
Báo cáo toàn diện về đa dạng sinh học của Liên Hợp quốc được công bố vào ngày 6/5/2019 cho thấy các loài (bao gồm cả động vật và thực vật) đang bị mất đi với tốc độ nhanh hơn hàng chục hoặc hàng trăm lần so với trước đây và có 5 hành động chính mà con người đang làm khiến suy giảm đa dạng sinh học:
Biến rừng, đồng cỏ và các khu vực khác thành nông trại, thành phố và các dự án phát triển khác. Môi trường sống mất đi khiến thực vật và động vật gặp nguy hiểm. Khoảng 3/4 diện tích đất, 2/3 đại dương và 85% vùng đất ngập nước quan trọng của trái đất đã bị biến đổi hoặc suy giảm nghiêm trọng, khiến các loài sinh vật khó tồn tại hơn.
Đánh bắt quá mức trên các đại dương thế giới. 1/3 trữ lượng cá trên thế giới bị đánh bắt quá mức.
Gia tăng biến đổi khí hậu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm cho gần một nửa số loài động vật có vú trên cạn trên thế giới - không bao gồm dơi và gần 1/4 số loài chim bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự nóng lên toàn cầu.
Ô nhiễm đất và nước. Hàng năm, 300 đến 400 triệu tấn kim loại nặng, dung môi và bùn thải độc hại được đổ xuống các vùng biển trên thế giới.
Gia tăng các loài xâm lấn lấn át thực vật và động vật bản địa. Số lượng các loài ngoại lai xâm hại trên mỗi quốc gia đã tăng 70% kể từ năm 1970.