Số mới nhất của báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á (Asia Bond Monitor), cho biết đến cuối tháng 9, đã có 1,556 nghìn tỷ đô-la trái phiếu công ty chưa thanh toán, tăng 23,8% tính theo giá trị đồng nội tệ so với năm ngoái và tăng 5,7% so với cuối tháng 6.
Báo cáo của ADB cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các thị trường trái phiếu công ty trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường trái phiếu công ty đã tăng 51,9% so với năm ngoái, nhanh hơn tốc độ tăng 25,5% của thị trường trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của cả hai thị trường chủ yếu là do số lượng trái phiếu đáo hạn trong quý 3 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị phát hành trái phiếu công ty giảm 68% trong khi giá trị phát hành trái phiếu chính phủ giảm 43,6% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường trái phiếu nhỏ nhất tại khu vực, với tổng số 15 tỷ đô-la trái phiếu chưa thanh toán vào cuối tháng 9 năm 2010, trong đó 14 tỷ đô-la là trái phiếu chính phủ.
“Nhìn chung, các công ty đang chớp lấy cơ hội huy động vốn tại các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở châu Á do nhu cầu ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù các biện pháp hành chính ở một số nước cản trở dòng vốn chảy vào, mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng lên do Châu Á có những cơ sở phát triển thuận lợi và do các thị trường phát triển có mức lãi suất thấp. ” -Iwan Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, cơ quan soạn thảo báo cáo, phát bi ểu.
Cũng theo bản Báo cáo này, tổng số trái phiếu chính phủ tính bằng đồng nội tệ ở khu vực Đông Á mới nổi, gồm CHND Trung Hoa; Hồng Kông (Trung Quốc); In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a; Phi-líp-pin; Xinh-ga-po; Thái Lan và Việt Nam, đã đạt 3,550 nghìn tỷ đô-la, tăng 14,6%$ so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,9% so với quý trước. Tăng trưởng đang chậm lại khi nhiều nước đang cắt giảm dần các gói kích thích tài chính của mình và một số ngân hàng trung ương lựa chọn giải pháp làm chậm việc trung hòa ảnh hưởng của phát hành trái phiếu.
Các thị trường trái phiếu công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất tính đến cuối tháng 9 là của Trung Quốc và In-đô-nê-xia, cả hai đều tăng trưởng 10,9% so với quí trước, tiếp sau đó là thị trường trái phiếu công ty của Xing-ga-po, với mức tăng trưởng 7.1% so với quí trước. Tăng trưởng của thị trường Trung Quốc phản ánh sự lớn mạnh của các khoản nợ trung hạn và các thị trường thương phiếu cùng với sự hồi phục lại của hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước.
Sự tăng trưởng các thị trường trái phiếu công ty ở In-đô-nê-xia và Xinh-ga-po phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các quỹ đầu tư nước ngoài vào các thị trường này, và làm tăng tính thanh khoản ở các thị trường này trong năm nay.
Ấn phẩm Khảo sát Tính thanh khoản của Thị trường trái phiếu Hàng năm (Annual Bond Market Liquidity Survey) được thực hiện bởi AsianBondsOnline và phát hành đồng thời với cuốn Asia Bond Monitor, cho thấy tính thanh khoản của các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi tiếp tục gia tăng do có sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này và các nhà đầu tư ngày càng đa dạng.
Những nỗ lực củng cố phát hành trái phiếu và tăng quy mô chào bán tiêu chuẩn ở Xinh-ga-po, Hàn Quốc và Phi-líp-pin cũng hỗ trợ cho những cố gắng này.
Cuộc điều tra được tiến hành với 112 trường hợp thực hiện từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 10 cho thấy những người tham gia trên thị trường trong khu vực vẫn coi các nhà đầu tư lớn và sự đa dạng của những người tham gia giao dịch là vấn đề quan trọng nhất để tăng tính thanh khoản. Sự sẵn có của các cơ chế bảo hiểm rủi ro, các quy định về hối đoái và tiếp cận thị trường cũng là những vấn đề quan trọng.
Đối với các thị trường trái phiếu công ty, những người tham gia điều tra cho biết rằng những vấn đề cần phải giải quyết là sự đa dạng của các nhà đầu tư, ưu đãi thuế và các cơ chế bảo hiểm rủi ro.
MY MY