Tết đã qua nhưng nhiều mặt hàng thiếu yếu vẫn giữ nguyên “giá Tết”, thậm chí cao hơn cả lúc cao điểm Tết.
Hàng nhiều, giá phù hợp
Tổng kết sơ bộ tình hình thị trường Tết Nguyên đán Tân Mão, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết tại thành phố tăng bình quân 10-30% so với ngày thường. Tại các siêu thị, sức mua tăng gấp 5-9 lần ngày bình thường và đã xẩy ra tình trạng mặt kẹt tại các quày thu ngân do lượng người qúa đông. Hàng hóa trên thị trường dồi dào, không xẩy ra tình trạng găm hàng, sốt giá, bắt chẹt khách như các năm trước.
Điều đáng ghi nhận là một số mặt hàng thiết yếu các năm trước tăng giá vùn vụt, năm nay không tăng, thậm chí giá còn giảm. Bia 333 Tết năm ngoái tăng 50 000-65 000 đồng/thùng; Tết Tân Mão giá sỉ bán 190.000 đồng/thùng, lẻ 195 000 đồng/thùng, giá này rẻ hơn hoặc bằng ngày thường. Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ đại lý bia ở thị trấn Hóc Môn cho biết hai loại bia bán chạy nhất trong Tết Tân Mão là Heniken và 333 nhưng giá và sức mua không tăng như năm rồi. Cũng vì sức mua giảm, nhiều đại lý cấp một hiện đang chết dỡ vì trữ một lượng bia lớn để bán tết đang nằm kho…
Thị trường tết ở TP. Hồ Chí Minh hàng dồi dào, không xẩy ra biến động giá, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, đó là nhờ chính quyền thành phố cùng với các doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất, trữ hàng và công tác bình ổn giá đã được các doanh nghiệp chủ động nghiêm túc, đúng lộ trình đã cam kết.
Hết Tết, giá chưa hết cao
Thị trường Việt Nam lâu nay vẫn vận hành theo quy luật: cứ đến Tết là giá tăng vọt và giữ nguyên đến tận sau Tết dù mùa cao điểm mua sắm đã qua. Thị trường dịp Tết Tân Mão không những tiếp tục lặp lại quy luật này mà còn xuất hiện nhiều chiêu giữ giá rất mới.
Bia 333 trong Tết bán giá 190 000 đ/thùng, sau Tết nhiều điểm kinh doanh bán 210.000 đồng/thùng; Sài Gòn xanh trong Tết 95 000 đồng/két, sau Tết giá thổi lên 120.000 đồng/két. Vì sao Tết hết rồi còn tăng giá? Nhiều đại lý bảo rằng nhà máy bia hết hàng, mua cao bán giá cao. Tuy nhiên Nhà máy bia Sài Gòn luôn sản xuất hàng đủ để bán, ngay tại các đại lý lượng bia dư do trữ hàng bán tết với số nhiều vẫn chưa tiêu thụ hết.
Sau ngày mùng 5 tết, các hoạt động mua bán tại TP. Hồ Chí Minh đã mở cửa hoạt động bình thường, chỉ có giá hàng hóa là bất thường. Tại chợ Hòa Bình (quận 5), mặc dù hàng về nhiều nhưng giá cao ngấy ngưởng. Thịt heo đùi 70.000 đồng/kg, thịt bò 170.000 đồng/kg, cá lóc 65.000 đồng/kg, tôm càng xanh 420.000 đồng/kg, tôm sú 250.000 đồng/kg… Mức giá này bình quân cao hơn dịp tết 10-20% và cao hơn 30% so với ngày thường.
Sau Tết các quán ăn, nhà hàng đã bắt đầu đông khách và giá đắt khủng khiếp. Ở một quán phở trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày thường giá bán 25.000 đồng/tô, tết lấy 35 000 đồng/tô. Hai khách hàng từ Bình Phước vào ăn hai tô phở mà không hỏi giá trước bị tính 120.000 đồng/hai tô…
Dẫu sao, đại diện các chợ đầu mối cho biết hàng hóa đã về chợ ổn định trở lại, giá cả đang có xu hướng giảm dần. Lượng thịt heo về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn tăng gấp 2-3 lần so với ngày trước, ở mức 349 tấn và bằng 70% so bình thường. Giá heo hơi 41.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so những ngày cận Tết và tăng 2.000 đồng/kg so với bình thường. Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền, hiện nguồn hàng về chợ khoảng 1.500 tấn/ngày, đạt khoảng 90% so với ngày thường. Giá cả nhiều mặt hàng rau củ quả, thủy sản đã trở về với mức giá tương đương ngày thường. Tại chợ đầu mối Tân Xuân (huyện Hóc Môn), lượng hàng về chợ đạt gần 80% so với ngày thường, khoảng 1.700 tấn/ngày. Sức mua tại các chợ đầu mối vẫn còn yếu, giá cả đang có xu hướng giảm dần.
Mị Na