Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa bánh, kẹo nội và ngoại
Theo khảo sát của phóng viên, dịp Tết Nguyên đán năm nay mặt hàng bánh mứt kẹo dồi dào, đa dạng hơn, giá cả cũng không tăng đột biến. Trong khi, tại các siêu thị lớn, hàng Việt Nam chiếm khoảng 70-80% thì ở các cửa hàng bán lẻ, siêu thị mini lại đang diễn ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa hàng nội và hàng ngoại.
Đại diện một số siêu thị lớn ở Hà Nội cho biết, sức mua các mặt hàng bánh mứt kẹo đang tăng từng ngày. Trong đó, các mặt hàng bánh mứt kẹo của các thương hiệu có uy tín trong nước như Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica…vẫn có sức tiêu thụ mạnh.
Dạo quanh một vòng các siêu thị lớn như Vinmart, Big C…có thể dễ dàng nhận thấy các loại bánh kẹo nhập ngoại của Thái Lan, Malaysia…không được trưng bày nhiều như năm trước. Thay vào đó, các mặt hàng bánh kẹo do các công ty Việt Nam sản xuất đang dần chiếm được lợi thế. Hầu như trên các kệ hàng bán bánh kẹo phục vụ Tết, các loại bánh kẹo trong nước của nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo như Bibica, Hải Hà…được bày bán nhiều hơn và được trưng bày ở những khu vực bắt mắt để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Điểm nhấn đặc biệt của bánh kẹo “nội” năm nay là các mặt hàng hướng về truyền thống mang đậm phong tục của người Việt. Những sản phẩm bánh kẹo mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy, phát đạt…được dự đoán là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khi mua để tặng biếu. Những sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc sản Việt là xu hướng mua sắm trong những năm gần đây. Trong đó, các mặt hàng được sản xuất từ trái cây, rau củ của Đà Lạt như dâu tây, atiso, hồng sấy khô…với giá cả phải chăng, chất lượng tốt được đánh giá phù hợp với nhiều phân khúc người tiêu dùng.
Xu hướng bánh kẹo Tết 2018 vẫn tập trung vào các sản phẩm quà tặng tiện lợi, bắt mắt, sang trọng. Việc gom hàng vào giỏ quà giúp “đẩy” hàng hiệu quả, lại khiến người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn. Giá cả giỏ quà Tết 2018 rất phong phú, dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Cụ thể, tại siêu thị Big C hiện đang bày bán “tháp giỏ quà” với mức giá từ 180.000 đồng – 1,8 triệu đồng/giỏ.
So sánh về giá thì bánh kẹo nội có mức giá thấp và hợp lý hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, giá thành của những sản phẩm bánh kẹo nội rẻ hơn khoảng 2-3 lần so với các sản phẩm bánh kẹo ngoại cùng loại. Chẳng hạn như một hộp bánh quy bơ loại cao cấp nhập khẩu từ Đức, Pháp thường có giá ít nhất từ 130.000-350.000 đồng/hộp. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất trong nước chỉ có giá từ 30.000-120.000 đồng/hộp (tùy khối lượng).
Trong khi ở các siêu thị lớn, hàng Việt lấn át hàng ngoại thì ở các siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ, hàng Việt Nam lại chưa tạo được sức mua áp đảo.
Một chủ cửa hàng bán lẻ bánh kẹo tại phố Hàng Buồm cho biết, để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội. Nếu làm quà biếu thì ngoài hàng của một số hãng bánh kẹo như Bibica, Kinh đô…hàng ngoại vẫn dành được sự quan tâm.
Ngoài việc mua giỏ quà Tết, người tiêu dùng lựa chọn thêm với các loại hoa quả sấy nhập khẩu như hoa quả sấy của Thái Lan với mức giá khá cao. Cụ thể, giá các loại mứt sấy, hoa quả sấy được bán với giá từ 500.000 đồng – 800.000 đồng/kg như mứt xoài với giá 550.000 đồng/kg, mứt vỏ bưởi 650.000 đồng/kg, mứt chanh vàng 500.000 đồng/kg…Theo nhận định của chủ cửa hàng, do có hương vị đặc biệt, khá bắt mắt và phù hợp với khẩu vị của người Việt nên hàng Thái được nhiều người lựa chọn.
Thị trường bánh kẹo tuy có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm nội, ngoại nhưng với tâm lý sắm Tết an toàn, cùng với sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã tác động trực tiếp và rõ nét đến xu hướng, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thương hiệu tin cậy trong những ngày Tết.
Giá gà tăng mạnh, thịt lợn hồi phục
Trải qua thời kỳ khủng hoảng bắt đầu từ tháng 10/2016, khi giá lợn hơi đi xuống và chạm đáy 16.000 đồng – 20.000 đồng/kg thời điểm tháng 4/2017 – đây không chỉ là đợt giảm giá sâu nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, mà đợt giảm giá trong năm 2017 còn được xem là chưa từng có khi kéo dài suốt 1 năm, khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, khi Tết Nguyên Đán 2018 đang cận kề thì giá lợn hơi có dấu hiệu tăng lên, đem lại hi vọng cho người chăn nuôi.
Cũng giống như nhiều hộ chăn nuôi khác, với quy mô đàn khá lớn gồm 50 lợn nái và 200 lợn sinh sản, cao điểm có lúc lên đến 50 lợn nái và 400 lợn thịt, gia đình anh Nguyễn Văn Vi ở Bình Dương (Vĩnh Tường) chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt giảm giá lợn trong năm vừa qua. Năm 2017, gia đình anh thua lỗ nửa tỷ đồng, một con số không hề nhỏ đối với người nông dân. Đó là chưa kể đến hiện nay gia đình anh vẫn phải trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Chia sẻ về giá lợn thời điểm này, anh Vi cho biết, trong năm giá lợn cũng có sự biến động, song không đáng kể. Tuy nhiên từ hơn 1 tháng nay, giá lợn tăng trở lại. Đến nay, giá lợn hơi khoảng 33 - 35 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 7-8 nghìn đồng/kg so với mức giá ở thời điểm 1 tháng trước. Theo anh Vi,mức giá này, đối với người chăn nuôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi.
Chia sẻ về lý do của đợt tăng giá này, anh Luận, một thương lái lợn ở Tề Lỗ (Yên Lạc) với thâm niên 17 năm trong nghề cho biết: Hiện nay, Trung Quốc vẫn thắt chặt đối với thu mua lợn của Việt Nam. Sở dĩ giá lợn tăng là do thời điểm gần cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên. Trong khi đó, sau 1 năm giá lợn ở mức thấp, không ít người chăn nuôi phải thu hẹp quy mô đàn, tạm dừng chăn nuôi, thậm chí phá sản. Do đó, tổng đàn lợn đến nay giảm sút mạnh…
Theo khảo sát PV, trên thị trường, tại các chợ, siêu thị và cửa hàng tại Hà Nội giá thịt heo cũng đã tăng 10-15% trong khoảng 1 tháng qua. Trong đó, đùi có giá 78.000 đồng – 80.000 đồng/kg, vai có giá 70.000 đồng – 75.000 đồng/kg, sườn có giá 65.000 đồng/kg…Theo dự đoán của một số thương lái cũng như hộ chăn nuôi lớn, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, giá lợn sẽ có xu hướng tăng, song sức tăng không mạnh...
Bên cạnh sự hồi phục của giá lợn hơi và thịt lợn bán ra thì trên thị trường hiện nay, giá thịt gà cũng là điểm mừng cho người chăn nuôi.
Hiện, giá gà ta chưa mổ tại một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Cầu Giấy, chợ Phùng Khoang….đã tăng 15-20% so với 2-3 tháng trước. Cụ thể, giá gà cả lông loại ngon dao động từ 110.000 đồng – 140.000 đồng/kg, gà mổ sẵn từ 180.000 đồng – 230.000 đồng/kg.
Chị Thơm, chuyên kinh doanh gia cầm tại chợ Cầu Giấy cho biết, giá gà ta tăng mạnh từ hơn 1 tháng trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu là do sức tiêu thụ tăng đột biến. Thời điểm cuối năm, nhiều sự kiện, tiệc tùng nên cần lượng cung lớn. Có nhiều loại gà như gà mía, gà công nghiệp, gà tam hoàng từ các nơi đổ về, giá rẻ hơn so với gà ta, song người tiêu dùng vẫn chuộng gà ta thả vườn hơn vì cho rằng thịt ăn chặt hơn, thơm ngon hơn và yên tâm hơn về chất lượng.
Trong thời gian tới, khi Tết cổ truyền càng tới gần, theo các tiểu thương, giá gà sẽ vẫn còn tăng hơn nữa.