Tăng 1- 2 phiên rồi lại sụt giảm, nhà đầu tư hụt hẫng, chao đảo, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn, xoay quanh mức 450 điểm. Đây là mức mà nhà đầu tư không mấy kỳ vọng. Giá của nhiều loại cổ phiếu xuống tới mức quá thấp, cơ hội kiếm lợi nhuận cũng như khả năng huy động vốn trên thị trường không cao, không ít nhà đầu tư bắt đầu lảng tránh và nghỉ ngơi. Tìm hướng đi cho thị trường chứng khoán là điều cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà kinh tế cùng quan tâm.
Khó có biến động mạnh
Đây là nhận định của các công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán ACB cho rằng, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, hai chỉ số tăng nhẹ nhưng không cho thấy xu hướng tích cực của thị trường do cả bên mua và bên bán đều khá dè dặt. Lực cầu từ khối ngoại là điểm sáng duy nhất trong phiên giao dịch ngày 16- 9 khi khối này tiếp tục mua ròng, tập trung vào blue chips, làm lực đỡ thị trường trong phiên giao dịch này.
Nhà đầu tư chứng khoán không kỳ vọng vào vòng luẩn quẩn ở mức điểm quá thấp của thị trường hiện nay. Trong ảnh: Phiên giao dịch tại sàn chứng khoán An Bình. Ảnh: Phương Duy |
Trong bối cảnh các thông tin vĩ mô hiện nay đang chia thành hai luồng tốt xấu, và thị trường đang đi vào giai đoạn nhạy cảm, chưa xác định xu hướng rõ ràng, ACBS giữ quan điểm cho rằng, nhà đầu tư lướt sóng nên chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn, và chờ đợi Thông tư 13 chính thức được công bố.
Công ty chứng khoán Woori CBV nhận định, VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp. Với việc không thật sự có các thông tin quan trọng xuất hiện, rõ ràng việc nhà đầu tư chờ đợi và hạn chế ra các quyết định mua bán trong thời điểm này là hoàn toàn dễ hiểu. Công ty chứng khoán Quốc tế - VIS cũng đồng tình với quan điểm này khi phân tích khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 13 phiên gần đây. Hiện tại, thị trường vẫn nằm trong hướng đi ngang với sự tăng giảm không quá mạnh của VN-Index, nguyên nhân của điều này chủ yếu bởi các nhà đầu tư đang trông đợi thông tin về các chỉ số vĩ mô. Do vậy, sự tăng mạnh hay giảm mạnh là rất khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại.
Công ty chứng khoán Sao Việt cho rằng, thị trường sẽ giao dịch quanh vùng 440 - 450 điểm khi tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư còn quá lớn. Dòng tiền vẫn đang chờ đợi để giải ngân vào thị trường, nhưng thời điểm hiện nay khi chưa có nhiều thông tin vĩ mô tích cực có thể tạo tăng trưởng bền vững cho thị trường, trong các phiên giao dịch tới, thị trường sẽ giao dịch quanh vùng 440 - 450 điểm.
Tiếp tục chờ đợi
Trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư chứng khoán không còn cách nào khác là phải tiếp tục chờ đợi. Tuy nhiên, với một loạt các biểu hiện có vẻ “trái khoáy” trên thị trường thì không thể thụ động ngồi chờ mà cần vào cuộc và hành động quyết liệt hơn. Cần trả lời câu hỏi, tại sao chứng khoán Việt Nam không tăng khi thị trường thế giới tăng điểm, khi kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực nhưng lại cùng giảm khi chứng khoán quốc tế sụt giảm? Liệu có cơ hội nào cho VN-Index trở lại mốc 500 điểm, tức chỉ bằng hơn 40% của thời kỳ chứng khoán đạt đỉnh cao 1.170 điểm đầu năm 2007?
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng phải giải quyết một trong những trở ngại lớn là quan điểm, nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, nảy sinh tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” trong các văn bản pháp luật. Muốn các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, phải nhận biết đầy đủ đòi hỏi của họ, mà một trong số đó là pháp luật nhất quán, đồng bộ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, quyết sách của các nước hậu khủng hoảng kinh tế đều đang trực tiếp hướng đến thúc đẩy niềm tin. Còn ở Việt Nam, chính sách chủ trương có thể đúng nhưng cần phải đặt lên bàn cân vấn đề niềm tin. Chưa kể tính không nhất quán trong phương thức điều hành.
Nói như ông Phạm Đỗ Chí, Công ty Kidwell International Power Vietnam Ltd., dòng tiền nước ngoài chảy vào chứng khoán đang ít hơn do những lo ngại về tỷ giá bất ổn, sự cạn kiệt nguồn vốn từ các quỹ mạo hiểm, sự bớt tin tưởng vào các quỹ ngoại đang hoạt động ở Việt Nam do giá trị tài sản ròng của họ đang kém xa chính họ thời gian trước và kém cả VN-Index.
Vì vậy, các nhà phân tích, nhà kinh tế đề nghị, cần tiến hành chính sách tiền tệ linh hoạt với biên độ tỷ giá thích hợp nhằm tránh tác động tâm lý đến nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó là tiếp tục cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp Nhà nước để tạo hàng hóa chất lượng cao cho thị trường đồng thời tăng cường giám sát các định chế trung gian. Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét lại việc áp dụng một số thông tư, quy định mới như Thông tư 13, 493. Bộ Tài chính sớm ban hành quy chế giao dịch cổ phiếu T+2. Ngoài ra còn cần hạn chế sức ép tăng tỷ giá.
Như vậy, cơ hội cho chứng khoán đang phụ thuộc nhiều vào việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực chi phối và tác động nhiều nhất đến chỉ số VN-Index.
Thanh Hiệp