Cây cảnh ít mẫu mã, bonsai hổ được ưa chuộng
Dạo quanh thị trường cây cảnh chưng Tết năm nay, có thể thấy, chủ yếu là những mẫu cây cảnh đã có từ những năm trước. Phổ biến có thể kể đến các loại quất bonsai, mai bonsai, hoa giấy đỏ bonsai. Cạnh đó là các mẫu cây ghép từ nhiều năm trước như dừa bonsai, táo mini, nho mini trĩu quả, bưởi nhỏ trĩu quả... Các dòng trái cây ép tạo dáng như bưởi hồ lô, dưa hấu đồng tiền, dưa hoàng kim hình thỏi vàng... cũng bắt đầu được bày bán trên thị trường.
Đặc biệt, một dòng cây cảnh luôn xuất hiện và được ưa chuộng mỗi cái Tết, đó là dòng cây tạo kiểu theo hình con giáp. Nếu như năm ngoái, trâu vàng cõng quất bonsai là dòng cây chưng Tết cực kỳ được ưa chuộng thì năm nay, thị trường tràn ngập các cây cảnh bonsai tạo dáng hổ. Phổ biến hàng đầu là loại bonsai dừa hình hổ.
Từ nhiều năm nay, trái dừa đã được những nông dân, nghệ nhân khéo léo tạo hình để biến thành những linh vật ngày Tết ngộ nghĩnh, đáng yêu. Năm nay, bonsai dừa hình hổ lại ra mắt và được ưa chuộng. Để tạo hình bonsai dừa, người nông dân đã phải chuẩn bị trước đó gần cả năm trời. Nghĩa là, hết mùa Tết năm nay đã bắt đầu nghĩ đến chuyện tạo dáng hàng loạt cho dừa linh vật của năm sau.
Để ra đời những “con thú dừa”, trước tiên, người trồng phải bóc vỏ, cạo sạch những quả dừa khô rồi ươm mầm từ 4 tháng đến 1 năm để đạt tiêu chuẩn làm bonsai. Những chất liệu của cây dừa sẽ được tận dụng để gia công các bộ phận của linh vật rồi lắp ráp bằng thủ công. Các bộ phận của con hổ như đầu, tai, mũi,… đều làm từ dừa khô rồi mài nhẵn, dán keo lại trước khi đánh bóng và vẽ trang trí các hoa văn phù hợp với ngày Tết. Sau đó, cho ra đời linh vật từ quả dừa vẫn còn sống trên cây dừa bonsai, với đầy đủ các vẻ mặt, sắc thái sống động.
Anh Đinh Ngọc Hiếu (TP Thủ Đức, TP HCM), một trong những người đầu tiên nghĩ ra việc tạo dừa bonsai hình linh thú cho biết, năm nay anh chế tác xấp xỉ 400 cây dừa bonsai hình hổ. Giá dao động của các chậu bonsai hình hổ từ 600.000 đồng - 3 triệu đồng tùy độ cầu kỳ, tinh tế của cây dừa bonsai. Anh Hiếu cho biết, năm nay, sản lượng dừa bonsai anh cung ứng cho thị trường thấp hơn mọi năm đến 30%, vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau khi ra đời bonsai dừa hình hổ, thị trường đón nhận khá tốt và đã có không ít khách đặt hàng hết số hổ bonsai này.
Khan hàng vì người trồng, người bán không dám mạnh tay
Tình hình chung của thị trường hoa, cây cảnh chưng Tết năm nay là khan hàng do sản lượng thấp. Anh Nguyễn Văn Đông, chủ vườn mai ở Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức chia sẻ, năm nay anh cung ứng cho thị trường 300 cây mai chơi Tết, giảm 200 cây so với năm ngoái. Theo anh Đông, các bạn vườn mai của anh năm nay cũng chỉ cung ứng số lượng vừa phải, không dám mạnh tay như các năm vì linh cảm thị trường sẽ không hút hàng.
Tương tự, bà Lê Kim Thoa, chủ cửa hàng hoa kiểng Kim Thoa ở quận Tân Phú chia sẻ, các dòng hoa chưng Tết năm ngoái bán chạy như lan, địa lan, hoa cúc, sống đời kiểu mới các năm cửa hàng bà nhập về rất nhiều, năm nay giảm hơn 30% vì lo lắng ảnh hưởng đại dịch. “May mắn là quyết định giảm sản lượng, vì đến thời điểm này hầu như lượng khách đặt hàng hoa cũng không nhiều. Các năm trước, cùng thời điểm, giờ này khách đã đặt trước hết 60-70% số lượng hoa Tết trong cửa hàng”, bà Thoa cho biết.
Việc giảm sản lượng cũng bắt đầu từ người trồng trọt. Đà Lạt, nơi cung ứng số lượng hoa Tết hàng đầu cho khu vực phía Nam năm nay cũng đánh dấu sản lượng hoa xuống thấp. Các mùa Tết trước, sản lượng hoa đều năm sau cao hơn năm trước 10-20%. Năm nay, một số nhà vườn giữ nguyên sản lượng, có nhà vườn tăng nhẹ, nhưng cũng có nhà vườn giảm 10-20% sản lượng so với mọi năm.
Tuy nhiên, trên tổng số, theo thống kê của Đà Lạt, sản lượng hoa cắt cành đạt gần 1,4 tỷ cành, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá hoa từ Đà Lạt năm nay tăng từ 10-20%. Theo chị Nguyễn Hòa Vân Thanh, chủ nhà vườn trồng hoa cắt cành diện tích 4ha ở phường 5, TP Đà Lạt cho biết, nguyên nhân không phải do khan hàng Tết mà do năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19, vật giá tăng, các chi phí như giống, phân bón, vận chuyển đều tăng từ 10-40%, gây ảnh hưởng đến giá cả hoa.
Tết năm nay, các tiểu thương buôn hoa Tết mùa vụ cũng không dám nhập hàng mạnh tay vì sợ “ôm hàng”. Anh Nguyễn Văn Bền, quê Bến Tre cho biết, năm nay anh cũng định tham gia bán hoa ở dọc hè phố khu công viên Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Tuy nhiên, anh chỉ dám nhập một số loại phổ biến như cúc, ly, quất... với số lượng hạn chế vì lo lắng lỡ có chuyện gì là “ôm nợ”. Anh Bền là một trong những người bán hoa mùa vụ quê miền Tây, thường đánh xe lên TP HCM buôn hoa mỗi dịp giáp Tết.
Anh Bền chia sẻ: “Nhớ nghề và muốn kiếm ít tiền tiêu Tết nên tui với thằng bạn mới ôm hoa về bán chứ cũng hồi hộp lắm. Lỡ năm nay khó khăn quá người ta không mua hoa nữa thì hai thằng chắc nghỉ ăn Tết lo kiếm đường trả nợ”. Anh Bền cũng như nhiều tiểu thương bán hoa Tết, mong nhất là Tết này, người dân mua hoa sớm chưng Tết, không chờ đến tận 29, 30 mới mua để “ép giá” tiểu thương. “Mong là người chơi hoa “chơi đẹp”, để Tết năm nay người bán với người mua đều vui vẻ”, anh Bền chia sẻ.