Cùng với tiến trình tự do hóa thương mại, việc mở cửa dịch vụ phân phối nói chung và dịch vụ bán lẻ nói riêng đã đem đến những sắc thái mới cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán tổ chức và quản lý hệ thống bán lẻ Việt Nam thế nào cho hiệu quả…
Chợ vẫn là đầu mối bán lẻ quan trọng
Sau hơn 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đầy triển vọng, có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ước 10 tháng đầu năm năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1.282 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2009.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam liên tục tăng cao qua các thời kỳ, giữ tốc độ 25% trong khoảng thời gian 2006-2008.
Tính đến cuối năm 2010, cả nước có khoảng 8.591 chợ trong quy hoạch (234 chợ hạng I, 887 chợ hạng II, 7470 chợ hạng III, 1130 chợ tạm và chợ chưa xếp hạng), trong đó có 79 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của trên 2 triệu người. Nếu như năm 2005, tại 30/64 tỉnh, thành chỉ có khoảng 200 siêu thị thì năm 2009 đã tăng tới 445 siêu thị, 78 trung tâm thương mại và khoảng 2.000 cửa hàng tiện lợi tại khắp 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm khoảng 40%, qua các loại hình phân phối hiện đại chiếm khoảng 15 - 20%.
Theo kết quả khảo sát và công bố về Chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Hãng AT Kearny, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn đứng ở thứ hạng cao về mức độ hấp dẫn trong đầu tư (năm 2008 đứng thứ nhất, năm 2009 đứng thứ 6 và năm 2010 đứng thứ 14). Triển vọng về dài hạn của Việt Nam trong bảng xếp hạng GRDI vẫn rất tích cực, mặc dù có sự tụt hạng trong năm 2009 và 2010 so với các năm trước đây.
Làm “đường” cho chợ
Theo đề án “Phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ trên địa bàn nông thôn hướng theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” của Bộ Công Thương thì từ này đến năm 2020, cả nước sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp 113 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn, 418 chợ biên giới, chợ cửa khẩu và 3.000 chợ dân sinh tại những xã chưa có chợ trên toàn quốc với kinh phí dự kiến khoảng trên 9 ngàn tỷ đồng. Với những tiềm năng đó, thì hệ thống bán lẻ Việt Nam rất có lợi thế phát triển.
Tại buổi Hội thảo với chủ đề “Tiếp tục hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam” do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III phối hợp tổ chức cuối tuần rồi tại TP. Hồ Chí Minh, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung rà soát lại hệ thống pháp luật về dịch vụ phân phối, đánh giá tác động của việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối của Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề ra những giải pháp cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân phối hàng hóa nội địa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Ngoài những cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là cần phải xây dựng được một hệ thống phân phối hiện đại, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm hoạt động có hiệu quả và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa các công ty trong nước và nước ngoài.
Một báo cáo nghiên cứu về thực trạng phát triển và quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân phối của một số nước châu Á và châu Âu và các bài học vận dụng cho Việt Nam sẽ được Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) hoàn thành nay mai cũng sẽ là một nấc thang quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hệ thống bán lẻ Việt Nam.
Ngọc Quý